Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Làn sóng” dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh và không xem nhẹ biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 18-1 đã đưa ra nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch Covid-19 mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào.

Người đứng đầu WHO cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể Omicron vốn lây lan nhanh kể từ tháng 11-2021. Hiện đang có luồng ý kiến cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước, song dường như ít gây bệnh nặng. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu Covid-19 có đang ở thời điểm chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu - nghĩa là con người có thể chung sống với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, WHO nêu rõ số ca mắc mới tăng mạnh đồng nghĩa với việc nhiều người vẫn còn mắc bệnh nặng và nguy kịch.

Phát biểu với báo giới ngày 18-1, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho rằng việc số ca mắc mới gia tăng theo cấp số nhân sẽ kéo theo số ca nhập viện và tử vong gia tăng. Theo ông, làn sóng dịch do Omicron gây ra có thể ít nghiêm trọng hơn song việc cho rằng Omicron chỉ gây ra bệnh nhẹ là “sai lầm”. Chuyên gia hàng đầu của WHO chỉ rõ rằng: “Omicron đang khiến các ca nhập viện và tử vong và thậm chí là cả các ca bệnh ít nghiêm trọng hơn tràn ngập các cơ sở y tế”.

Bệnh nhân Covid-19 được điều tại một bệnh viện ở Brooklyn, Mỹ

Bệnh nhân Covid-19 được điều tại một bệnh viện ở Brooklyn, Mỹ

Có dữ liệu cho thấy số ca mắc mới Covid-19 chủ yếu do sự lây lan của biến thể Omicron đã đạt đỉnh tại một số nước. Điều này làm dấy lên hy vọng điều tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm hiện nay đã qua, song thực tế vẫn chưa nước nào thoát ra khỏi làn sóng đó. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nhấn mạnh cần dỡ bỏ ngay áp lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là ở những nước có độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 còn thấp. Theo ông, hiện không phải là thời điểm từ bỏ và đầu hàng trước bệnh dịch. Thế giới vẫn có thể giảm đáng kể tác động của làn sóng dịch hiện nay thông qua việc chia sẻ và sử dụng hiệu quả các công cụ y tế, thực thi các biện pháp y tế công cộng và xã hội vốn có tác dụng khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đồng quan điểm trên, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO chỉ ra thực tế thế giới mỗi tuần vẫn ghi nhận khoảng 45.000 ca tử vong do mắc Covid-19. Theo bà, điều này không nên xảy ra khi thế giới đã có trong tay các công cụ phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh dữ liệu cho thấy các vaccine phòng Covid-19 hiện nay kém hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan của biến thể Omicron, nhiều hãng dược phẩm đang nỗ lực tạo ra loại vaccine đặc hiệu chống biến thể.

Theo bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO, dù ý tưởng tạo ra loại vaccine chống biến thể đặc hiệu rất hấp dẫn, song sẽ phải mất vài tháng mới có thể phát triển được loại vaccine này và điều nguy hiểm là sẽ luôn phải chạy theo để đối phó biến thể.

Do đó, các hãng dược phẩm cần tạo ra loại vaccine đa trị hoặc lý tưởng nhất là siêu vaccine chống mọi loại virus Corona. WHO cũng nhấn mạnh các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay vẫn phát huy vai trò bảo vệ chống lại bệnh nặng, do đó, cần phải đảm bảo quyền tiếp cận lớn hơn, bình đẳng hơn đối với vaccine.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo việc virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan tại một số khu vực làm tăng đáng kể cơ hội để các biến thể mới nguy hiểm hơn sinh sôi, nảy nở. Như lời của Tổng Giám đốc WHO thì với sự lây lan đáng kinh ngạc của Omicron trên phạm vi toàn cầu, các biến thể mới cũng có thể xuất hiện.