Tinh thần “không gì là không thể” đi qua “cơn giông bão”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 là “cơn giông bão” không hề được dự báo trước trong bất kỳ một bản tin nào. Nó đã chi phối cuộc sống, chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả người dân và doanh nghiệp trên toàn thế giới. “Cơn giông bão” lớn chưa từng có trên toàn cầu ấy hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, không biết khi nào kết thúc, buộc doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đặc biệt phát huy trong bối cảnh này. Với riêng Tập đoàn Tân Hiệp Phát, càng khó khăn càng phải “nắm tay nhau”.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương kiểm tra hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” trong nhà máy

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương kiểm tra hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” trong nhà máy

Khi “nữ tướng” doanh nghiệp “cảm ơn người Tân Hiệp Phát”

“Công nhân và nhân viên dưới nhà máy, nhân viên bốc xếp, nhân viên kho đều được chúng tôi lắng nghe ý kiến. Trong bối cảnh khó khăn này, sự hiện diện của lãnh đạo công ty rất quan trọng. Có thành viên Tân Hiệp Phát bố bị bệnh không dám xin về. Người thì lại có thân nhân mất cũng không dám xin về. Họ tạm dừng sinh hoạt gia đình để ở lại công ty, duy trì sản xuất, duy trì tính kỷ luật vì không thể nào cấp trên xin về, cấp dưới vẫn đi làm. Xin cảm ơn người Tân Hiệp Phát! Mọi người đã cùng nắm tay nhau để vượt qua giai đoạn này” - đây là một trong những chia sẻ cuối cùng của bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại chương trình Leaders Pit stop với chủ đề “Quản trị năng lượng tổ chức trong thời kỳ giông bão” vừa diễn ra.

Theo bà Uyên Phương, cũng giống như các công ty khác, dịch Covid-19 ập đến khiến doanh nghiệp phải đối mặt với những tình huống chưa từng có. Nhưng là doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, Tân Hiệp Phát may mắn được sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Một loạt những việc cần làm để thực hiện “3 tại chỗ” buộc doanh nghiệp phải triển khai một cách nhanh chóng, trong đó có việc lo ăn, ở cho nhân viên, bên cạnh các giải pháp phòng dịch. “Chúng tôi hiểu tâm lý của tất cả mọi người là mong được về nhà, nhưng yêu cầu hiện tại là không thể. Do đó, sự có mặt của lãnh đạo doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần thiết, để tạo sự gắn kết về cảm xúc giữa lãnh đạo và người lao động. Mặt khác, với văn hóa Việt Nam thì bữa ăn gia đình đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi đã phải tính toán để bữa ăn của cán bộ nhân viên ở lại nhà máy sao cho đủ calo, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang “mùi vị” gia đình” - bà Trần Uyên Phương nói.

Thi tay nghề cho nhân viên sản xuất trong thời gian “3 tại chỗ” ở Công ty Tân Hiệp Phát

Thi tay nghề cho nhân viên sản xuất trong thời gian “3 tại chỗ” ở Công ty Tân Hiệp Phát

Để thực hiện được yêu cầu này, bếp ăn Tân Hiệp Phát từ chỗ tự túc một phần và đặt từ các công ty bên ngoài đã phải thay đổi, hoàn toàn do đầu bếp công ty nấu. Trong vòng 48 giờ, lãnh đạo công ty phải lo xây dựng bếp ăn, lo nguồn thực phẩm đủ cho mấy nghìn lao động. Đặc biệt là đầu bếp phải bố trí để hoạt động 24/24h vì nhà máy còn có công nhân làm ca đêm. Mỗi ngày, nhân viên nhà máy đều có thể phản hồi về bếp ăn chất lượng ra sao. “Chúng tôi nghĩ và chăm lo người lao động từ những điều nhỏ như thế. Những điều xa vời thì khó gắn kết người lao động” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Thực tế này cũng được nhắc đến trong một clip ngắn mới đây tại fanpage của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có chủ đề “Vui sống mùa Covid: Tập đoàn Tân Hiệp Phát kỳ thú có chia sẻ hình ảnh bữa ăn sung túc của nhân viên nhà máy Tân Hiệp Phát”. Kèm theo đó là dòng cảm xúc đặc biệt: “Cảm ơn ban lãnh đạo công ty đã luôn cung cấp các phần ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày. Ngoài thịt, cá thì những món ăn từ rau tươi giúp bữa cơm trở nên ngon miệng hơn rất nhiều. Chúc tất cả thành viên Tân Hiệp Phát có thật nhiều năng lượng và luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ”.

Truyền năng lượng tích cực giữa dịch giã bủa vây

Dù doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để phục vụ người tiêu dùng và việc ăn, ở, đảm bảo an toàn cho nhân viên được bố trí “đâu ra đấy”, nhưng lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát không phủ nhận những thông tin tiêu cực vây quanh. Đó là thông báo số ca tử vong về dịch bệnh tăng lên mỗi ngày khiến mỗi người dân đều bất an, là lo lắng thiếu thốn nguồn cung hay tạm gián đoạn về vận chuyển hàng hóa… “Ngay cả quãng đường từ Bình Dương về TP.HCM bình thường đi mất 35- 45 phút, giờ đường vắng hơn cũng vẫn đi mất bằng đó thời gian, thậm chí là hơn vì dừng lại ở mỗi chốt kiểm dịch. Tất cả những thứ đó là tiêu cực vây quanh, là áp lực đòi hỏi người ta phải nạp năng lượng nhiều hơn” - bà Trần Uyên Phương nói.

Trong khi đó, việc giữ an toàn, thực hiện “5K” là thường nói an toàn về mặt thể chất, còn an toàn về mặt tinh thần chưa được quan tâm nhiều. Vậy Tân Hiệp Phát làm gì để kích hoạt tinh thần tích cực cho nhân viên và ban lãnh đạo? Bà Uyên Phương cho biết: “Giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát là “không gì là không thể”. Lúc này chúng tôi khuyến khích sự sáng tạo của từng nhân viên. Việc này nói thì dễ, làm thì khó. Chẳng hạn như làm sao để khiêng 1 bao đường 50kg mà vẫn đảm bảo cách nhau 2 mét? Chúng tôi nói với nhân viên, khi không giữ được an toàn cho bản thân thì không thể giữ được an toàn cho tổ chức và xã hội. Do đó, thách thức nhân viên phải sáng tạo. Có giải pháp rồi, ai vi phạm sẽ phải nộp một khoản quỹ. Quỹ này sẽ được dành để cải thiện bữa ăn cho chính nhân viên”.

Chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ công nhân “3 tại chỗ”

Chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ công nhân “3 tại chỗ”

Tập đoàn cũng có hình thức khác để khích lệ tinh thần nhân viên, ví dụ như sáng tác nhạc, tặng quà cho nhân viên. Mới đây, công nhân nhà máy Bình Dương nhận được quà tặng là khẩu trang từ nhà máy Tân Hiệp Phát ở Hà Nam và Chu Lai (Quảng Nam). Theo bà Uyên Phương, quà tặng không cần giá trị lớn nhưng thiết thực, khiến người lao động cảm thấy được chia sẻ, được quan tâm, thì những món quà đó tạo nên năng lượng tích cực, giúp mọi người làm việc hăng say hơn. Ở Tân Hiệp Phát, từ cán bộ đến nhân viên còn thấm nhuần một triết lý khác, đó là “ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”. Trong dịch bệnh, triết lý này biến thành hành động cụ thể. Đó là khi nhân viên phải sáng tạo để đứng cách xa lãnh đạo 2 mét, đeo khẩu trang, thậm chí cả tấm chắn giọt bắn vẫn báo cáo được công việc rõ ràng, cụ thể; đó là quy trình công việc phải thay đổi liên tục dù làm trực tiếp hay online; đó là kế hoạch làm việc sẵn sàng trong 2 tuần sau khi dịch bệnh qua đi nhưng cũng có thể là 1 tháng…

Bà Uyên Phương nói về những sự thay đổi mang tính thách thức đó là: “Khi chúng ta là lãnh đạo, gặp thử thách cũng như người học võ, gặp đối thủ mới có cơ hội lên đai. Đây là cơ hội để thể hiện giá trị cốt lõi của cá nhân, tổ chức. Đây là dịp để từng người Tân Hiệp Phát cho thấy đã được học trong thời gian qua”. Cái khó ló cái khôn, có nhiều cách để doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” mang tên Covid-19. Có người chọn giải pháp vĩ mô, nhưng có người chọn làm từ việc nhỏ. Thực tế cho thấy nếu lãnh đạo doanh nghiệp làm những việc nhỏ một cách chỉn chu như Tân Hiệp Phát thì cũng là một giải pháp thành công.