
Mức lãi suất mà các doanh nghiệp được vay sẽ nằm trong khoảng 17 - 19%/năm
Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết, từ ngày 6-9 lãi suất tiền đồng ngắn hạn Maritime Bank áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất tối thiểu là 17,5%/năm, tối đa là 19%/năm. Đối với các khoản vay trung - dài hạn là 18,5%/năm và 20%/năm, lãi suất chiết khấu USD cũng giảm 0,5% xuống còn 8,0%/năm.
Ngân hàng Thịnh vượng (VP Bank) vừa có thông báo chính thức sẽ dành 3.000 tỷ đồng ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, mức lãi suất của chương trình này được VP Bank áp dụng sẽ từ 17-19% đối với các doanh nghiệp vay vốn. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủy sản, hải sản; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc VP Bank nhận định: “Tôi tin rằng với chính sách và một loạt các biện pháp của NHNN thì lãi suất trong thời gian tới sẽ xuống và trên cơ sở lãi suất đầu vào giảm thì ngân hàng sẽ giảm lãi suất đối với tất cả các đối tượng khách hàng chứ không phải chỉ đối tượng ưu đãi”.
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông báo giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2% về mức 18-19%/năm và dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với thu mua nông sản, công nghiệp nông nghiệp với lãi suất 15%-17,5%/năm. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… đều đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay.
Không phải doanh nghiệp nào cũng dễ tiếp cận
Lạm phát kéo dài, tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng cao trong thời gian qua khiến cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn hẹp. Những tín hiệu đầu tiên về việc giảm lãi suất được xem là tin vui dành cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận những khoản vay này.
Tại Hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cổng thông tin laisuat.vn diễn ra mới đây, TS. Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhận định: “Để được dễ dàng vay vốn, các doanh nghiệp phải có quan hệ thân thiết với các ngân hàng cũng như phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo một ngân hàng thì lượng khách hàng thân thiết chỉ chiếm 10-15%”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam có một điểm rất đặc biệt, nếu họ kêu khó khăn thì thực ra là họ đang rất khó, còn khi thừa nhận rất khó khăn thì dường như các doanh nghiệp này đang đứng bên bờ vực phá sản. Việc NHNN chỉ đạo hạ dần lãi suất cho vay là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp hoạt động tốt hơn”.
Ông Ánh cũng cho biết, cơ cấu vốn của doanh nghiệp đang rất mong manh. Hiện có tới hơn 60% doanh nghiệp dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để đầu tư trung - dài hạn. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu/tổng vốn hoạt động chỉ khoảng 10-15%. Đa số các doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành, chỉ có 60% vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chính. Không những thế, có một thực tế là hơn 90% doanh nghiệp có “dính dáng” đến bất động sản.
“Từ đầu năm đến nay, chứng khoán và bất động sản đều rơi vào tình trạng rất ảm đạm. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư đa phần đều thua lỗ. Do đó, cái chính là trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới” - ông Ánh đưa ra lời khuyên.