TikTok nguy cơ bị “cấm cửa” trên đất Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tương lai của mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc tại Mỹ trở nên thêm mờ mịt sau khi Hạ viện tham gia cùng Thượng viện Mỹ cấm sử dụng nền tảng này trên các thiết bị thuộc quản lý của họ, trong khi hàng chục bang khác cũng đã ra các lệnh cấm tương tự.
TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm cửa tại Mỹ khi ngày càng có nhiều cơ quan chính quyền và các bang ban hành lệnh cấm với nền tảng xuyên biên giới đến từ Trung Quốc này

TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm cửa tại Mỹ khi ngày càng có nhiều cơ quan chính quyền và các bang ban hành lệnh cấm với nền tảng xuyên biên giới đến từ Trung Quốc này

Rủi ro an ninh, bảo mật đến từ TikTok

Trong động thái mới nhất liên quan tới “số phận” của TikTok tại quốc gia là nền kinh tế số một thế giới, Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ ngày 27-12 vừa qua đã thông báo cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn của mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Byte Dance có trụ sở tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý. Lệnh cấm này tương tự một đạo luật sắp có hiệu lực mà theo đó sẽ cấm sử dụng TikTok trên những thiết bị của Chính phủ Mỹ.

Đại diện của TikTok đã ra tuyên bố bày tỏ “thất vọng” trước quyết định của các nhà lập pháp Mỹ. Ông Michael Beckerman, người đứng đầu bộ phận chính sách công của TikTok tại châu Mỹ, trước đó đã lên tiếng rằng, những lo ngại về an ninh bị “cường điệu hóa”, điều mà giới chức Mỹ thường nêu lên và rằng TikTok thu thập ít dữ liệu hơn các mạng xã hội khác.

Cho dù TikTok có đưa ra lập luận thế nào song xem ra khó đảo ngược được nguy cơ ngày càng lớn với mạng xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc, tuy nhiên lại đang phát triển “bùng nổ” tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. So với các “ông lớn” mạng xã hội khác của Mỹ như Facebook, Google, Twitter hay Instagram, TikTok mới “lấn sân” sang nước Mỹ từ năm 2017 nhưng đã có những bước phát triển vũ bão. Mức độ tương tác của TikTok ở Mỹ đã tăng hàng nghìn phần trăm từ năm 2017 đến nay và hiện đã có khoảng 130 triệu người dùng ở nước này. Trong khi đó, Facebook đang có nguy cơ bị “xâm thực” ngay trên “lãnh địa” của mạng xã hội lớn nhất này giảm 26% trong cùng kỳ, trong khi Instagram chỉ nhích lên một cách ít ỏi là 6%.

TikTok hiện nay đã trở thành một kênh mạng xã hội phổ biến với lượng người dùng và tương tác ngày càng tăng tại Mỹ. Một người bình thường ở Mỹ mở ứng dụng TikTok khoảng 8 lần một ngày. Không chỉ ra đời với mục đích mang tính giải trí cho người dùng, giờ đây TikTok như là một nền tảng truyền thông online cho các thương hiệu. Để có những chiến lược truyền thông thu hút người tiêu dùng, các thương hiệu như TikTok luôn muốn hiểu rõ về insight (sự thấu hiểu sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến một hành động nào đó) khách hàng. Ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc này có những tính năng theo dõi lượt thích, không thích và thông tin cá nhân của người dùng, trong đó có địa chỉ email, số điện thoại và mạng wifi.

TikTok được cho là quét dữ liệu người dùng, trong đó có cả quyền truy cập vào danh bạ người dùng, xem qua tất cả những địa chỉ liên hệ của người dùng, kể cả những người này có trên TikTok hay không và họ đồng ý hay không. Tuy nhiên, không ai biết TikTok làm gì với những dữ liệu thu được từ người dùng. Mặc dù tất cả các ứng dụng mạng xã hội khác cũng lấy dữ liệu tương tự của người dùng, song vấn đề mà chính giới Mỹ lo ngại là TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty chủ sở hữu của TikTok là Byte Dance chia sẻ dữ liệu thu thập được về người dùng.

Dù TikTok khẳng định, không chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc và đang nỗ lực chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh và chính trị gia Mỹ không tin TikTok có thể làm vậy. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray từng cảnh báo “những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng”. Người đứng đầu FBI nêu rõ, “cực kỳ lo ngại” về các rủi ro bảo mật liên quan đến TikTok.

Ngày càng nhiều nơi “nghỉ chơi” với TikTok

Thế nên, không phải bây giờ mà chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump cũng đã sớm “để mắt” tới TikTok. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ và gây áp lực buộc công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh phải bán TikTok cho một công ty Mỹ. Ông Pete Ricketts, Thống đốc sắp mãn nhiệm của bang Nebraska và là một thành viên Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh, những lo ngại về TikTok ngày càng tăng kể từ khi ông quyết định cấm nền tảng xuyên biên giới đến từ Trung Quốc này trên các thiết bị công từ năm 2020 khi đặt vấn đề “Họ (TikTok) đang thu thập loại dữ liệu nào?” và nay thêm mối lo ngại là “Người tiêu dùng Mỹ đang xem những gì trên TikTok?”.

Trong thông báo ngày 27-12 gửi tới các hạ nghị sĩ và nhân viên Hạ viện Mỹ về việc cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn của TikTok trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý, Giám đốc Hành chính của Hạ viện Mỹ (CAO) nêu rõ, ứng dụng TikTok bị coi là “có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật”. Thế nên, phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.

Với những lo ngại và cáo buộc tương tự của FBI cũng như Hạ viện Mỹ, thời gian qua, ngày càng nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ “cấm cửa” TikTok trên các thiết bị của họ. Trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đã có 19 bang của Mỹ, trong đó có các bang Texas, Georgia, Maryland, South Dakota, South Carolina, Nebraska... cũng đã ban hành các lệnh cấm tương tự. Lầu Năm góc cũng đã loại ứng dụng này trên các thiết bị công của quân đội Mỹ. Dự luật chi tiêu mới trị giá 1.660 tỷ USD được thông qua mới đây để duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang Mỹ đến ngày 30-9-2023 cũng bao gồm điều khoản cấm mạng xã hội TikTok trên các thiết bị do chính quyền liên bang quản lý.

Theo các chuyên gia, dù các lệnh cấm trên đây của các cơ quan lập pháp hay các bang của Mỹ chưa tác động nhiều tới người dùng TikTok trên thiết bị cá nhân nhưng rõ ràng làm dấy lên những lo ngại về rủi ro an ninh, bảo mật của nền tảng xuyên biên giới do công ty Trung Quốc chủ sở hữu này. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và doanh thu của TikTok.

Một số thông tin mới đây tiết lộ rằng, giới chức Mỹ đang thúc đẩy việc mua lại dịch vụ TikTok hiện có khoảng 130 triệu người dùng ở Mỹ để đảm bảo an ninh. Nhiều quan chức Nhà Trắng cho rằng các vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Tờ Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal) dẫn các nguồn tin chính giới cho biết, đề xuất buộc TikTok bán lại đang được thảo luận ở Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, cơ quan đã đàm phán với TikTok suốt hai năm qua về việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Được biết, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp Mỹ đã ủng hộ kế hoạch này, nhưng Bộ Tài chính Mỹ lại lo ngại vấn đề này có thể gặp trở ngại ở tòa án và muốn tìm giải pháp khác. Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ vẫn cho rằng, rủi ro an ninh chỉ được giải quyết khi tách TikTok khỏi chủ sở hữu là Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã “cấm cửa” hay hạn chế TikTok. Trong đó, Ấn Độ đã cấm vĩnh viễn TikTok, còn Indonesia và Bangladesh cấm TikTok với lo ngại liên quan đến các nội dung khiêu dâm; Armenia và Azerbaijan thì hạn chế để giảm thiểu sự lan truyền thông tin có thể dẫn đến xung đột…