- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lãi suất ngân hàng nhích nhẹ trong năm 2018
- Lãi suất huy động liên tục tăng, lãi suất cho vay có "té nước theo mưa"?
- Lãi suất ngân hàng: Tăng ở tất cả các kỳ hạn
Một số ngân hàng rục rịch hạ lãi suất
Trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một vài ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Cụ thể, Báo cáo tổng hợp diễn biến thị trường từ Công ty Chứng khoán Techcom Securities (TCBS), có hai ngân hàng là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Á châu (ACB) có điều chỉnh lãi suất huy động VND trên biểu niêm yết.
Theo đó, ACB giảm nhẹ lãi suất huy động VND ở kỳ hạn 1 tháng, từ mức 5,2%/năm xuống 5,1%/năm; trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 3 tháng thêm 0,1% lên 5,4%/năm.
VietinBank cũng giảm 0,3%/năm ở kỳ hạn 6 và 12 tháng, ngược lại, kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng này lại điều chỉnh tăng nhẹ 0,1%/năm, lên 6,8%/năm.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận một thành viên lớn khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn 5 tháng, từ 5,5%/năm xuống 5,2%/năm.
Có thể thấy, với động thái giảm nhẹ lãi suất huy động của một số ngân hàng lớn cho thấy xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng đã chững lại.
Tuy nhiên, hiện tất cả các ngân hàng vẫn giữ mặt bằng lãi suất khá cao, cùng với đó là nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Vì vậy, thời điểm đầu xuân năm mới vẫn là thời điểm gửi tiết kiệm có lợi cho khách hàng.
Lãi suất giữa các ngân hàng chênh lệch đáng kể
Khảo sát biểu lãi suất huy động VND từ các ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất niêm yết tại các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể. Mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5 – 8,7%/năm vẫn được một số ngân hàng như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Bản Việt (VietcapitalBank), Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank)... áp dụng đối với những khoản tiền gửi lớn và kỳ hạn dài, hoặc với chứng chỉ tiền gửi.
Đầu năm vẫn là thời điểm gửi tiết kiệm có lợi nhất cho người dân
Trong khi đó, mức lãi suất tại 4 ông lớn ngân hàng là Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV cao nhất chỉ ở mức 7%/năm. Như vậy sự chênh lệch lãi suất giữa nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước và ngân hàng TMCP tư nhân lên đến 1,5%/năm – một con số đáng để người gửi tiền cân nhắc.
Ở các kỳ hạn ngắn, chênh lệch lãi suất được thu hẹp hơn. Với kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất của các ngân hàng không có nhiều khác biệt do phải đáp ứng trần lãi suất huy động. Các ngân hàng tư nhân dao động quanh mức 5-5,4%/năm, trong khi đó, Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank chỉ huy động với mức lãi suất 4,5-5%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, trong khi các ngân hàng nhỏ chi trả lãi suất lên đến 7,4%/năm thì nhóm big 4 lại chỉ dừng ở mức 5,5%/năm. Các ngân hàng thương mại tư nhân lớn như Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB… dao động quanh mức 6,5-7%/năm.
Ở kỳ hạn 1 năm, SCB, VietCapitalbank vẫn giữ mức lãi suất cao nhất ở mức 8%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tầm trung và lớn niêm yết quanh mức 7%/năm. Với kỳ hạn này, nhóm big4 cũng dao động khoảng 6,6% - 6,8%/năm.
Ngoài ra, với các khoản tiền lớn, một số ngân hàng cũng có thêm chính sách ưu đại lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, trong những ngày đầu xuân, hầu hết các ngân hàng đều lì xì cho khách hàng đến gửi tiền. Vì vậy, gửi tiết kiệm thời điểm đầu xuân năm mới vẫn được nhiều người coi là lựa chọn tối ưu.