Thụy Điển tranh giành với Nhật đơn hàng đóng tàu ngầm cho Australia

ANTĐ -Công ty quốc phòng Thụy Điển Saab chính thức gia nhập cuộc đua tranh giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia đã đưa ra đề xuất, có thể xuất khẩu tàu ngầm thành phẩm cho nước này và cũng có thể hợp tác đóng tàu ngầm tại Australia. 

Hãng Reuters ngày 13-11 đã đăng tải bài viết với nội dung: Phương tiện truyền thông Thụy Điển cho biết, công ty Saab AB của nước này đang đấu thầu hạng mục nâng cấp hạm đội tàu ngầm của Australia. Theo đó, công ty quốc phòng Thụy Điển Saab đã đấu thầu dự án đóng tàu ngầm mới cho Bộ quốc phòng Australia.

Hiện nay, Australia đang cân nhắc các phương án nâng cấp lực lượng tàu ngầm. Nước này đang có hướng đặt mua lên tới 12 tàu ngầm lớp Soryu / Blue Dragon của Nhật Bản. Nếu ký kết thành công, tổng số tiền của thỏa thuận này sẽ chiếm hầu hết tổng số vốn đầu tư hạng mục tàu ngầm của Australia trị giá 40 tỷ đô la Australia (AUD).

Được biết, Soryu là lớp tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất thế do Nhật Bản tự thiết kế và chế tạo, sử dụng công nghệ động lực không cần không khí (AIP), hay còn gọi là động cơ tuần hoàn khép kín, sử dụng chính CO2 giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu để tái sinh ôxy, vì vậy giúp cho tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí. 

Tàu ngầm lớp Collins của Australia

Nhưng các nhà sản xuất vũ khí ở châu Âu tỏ ra rất thích thú về hạng mục đóng tàu ngầm của Australia. Phương án đặt mua hoàn toàn thành phẩm của nước ngoài này rất khó được thông qua, bởi vì tàu ngầm đóng trong nước sẽ thúc đẩy phát triển ngành chế tạo của Australia đồng thời xoa dịu những lời chỉ trích của giai cấp công nhân với chính phủ.

Hiện nay, công ty Saab chính thức gia nhập cuộc đua tranh giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia đưa ra đề xuất, có thể xuất khẩu tàu ngầm thành phẩm cho nước này và cũng có thể hợp tác đóng tàu ngầm tại Australia.

Giám đốc phụ trách nghiệp vụ an ninh và quốc phòng của công ty Saab cho biết: “Tuần trước chúng tôi đã gửi dự án đấu thầu tàu ngầm bằng văn bản. Và chúng tôi không lăn tăn gì với giá chào hàng là 20 tỷ AUD”.

Trước đó, năm 2013, Bộ Quốc phòng Australia và Thụy Điển đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng các phát kiến công nghệ của quốc gia Bắc Âu trên tàu ngầm nội địa. Cụ thể, Australia được phép sử dụng các công nghệ chế tạo tàu ngầm của Thụy Điển để thiết kế và đóng mới tàu ngầm lớp Collins; nâng cấp và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của nước này và phát triển thế hệ tàu ngầm chạy diesel-điện mới theo dự án SEA 1000.