- Trung Quốc tuyến bố không "khai hỏa" trước trong chiến tranh thương mại với Mỹ
- Giữa căng thẳng với Mỹ, Đức - Trung Quốc kí thỏa thuận thương mại 20 tỉ euro
- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc trước "giờ G"
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định đánh thuế thép và nhôm cao với Canada và các nước châu Âu
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11-7, với tỉ lệ 80/11, Thượng viện Mỹ đã thông qua giải pháp thương mại không ràng buộc, giúp Quốc hội có vai trò lớn hơn về thuế quan được áp dụng vì những lý do an ninh quốc gia. Thượng Nghị sĩ Pat Toomey thậm chí còn đề nghị Quốc hội xem xét “sự lạm dụng” một phần Luật Thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi áp thuế không thích hợp đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nước đồng minh và các quốc gia thân thiết của Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn trong quan hệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Theo quan điểm của ông
Donald Trump, thành công đồng nghĩa với việc “khuấy đảo” cả thế giới để đảm bảo quyền lợi cho nước Mỹ. Chính vì thế, ông Donald Trump sẵn sàng mở cuộc giao tranh toàn cầu với các đồng minh cũng như với các đối thủ.
Về công cụ pháp lý, ông Donald Trump đã có sẵn trong tay Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962. Mục 232 của Đạo luật này quy định việc Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên trong quá khứ, công cụ pháp luật này hiếm khi được Mỹ sử dụng, số vụ việc cũng rất ít và hầu hết các vụ việc điều tra theo quy định tại Mục 232 đều có kết luận là không phải áp dụng biện pháp trừng phạt.
Mọi việc đã thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, ông Donald Trump không ngần ngại khi đánh thuế thép cao tới 25% và nhôm tới 10% ngay cả với các đối tác thương mại thân cận như Canada và các nước châu Âu. Với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, ông sẵn sàng đối đầu với quyết định áp thuế cao với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá lên tới cả trăm tỷ USD.
Trước mắt, chính sách cứng rắn đó đã đem lại kết quả với kinh tế Mỹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) đã tăng từ 19.732 điểm hồi tháng 1-2017 lên mức kỷ lục 25.534 vào tháng 1-2018. Tỉ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 16 năm qua là 4,1%, GDP tăng trưởng 3% trong 2 quý gần nhất, giá bất động sản tăng 3%. Ông Donald Trump cũng thuyết phục các nước châu Á đầu tư 300 tỷ USD vào các doanh nghiệp của Mỹ, giúp hạn chế thâm hụt thương mại của Mỹ, nhất là với Trung Quốc.
Nhưng về lâu dài, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, việc sử dụng vấn đề an ninh quốc gia để áp đặt các loại thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ, làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới dựa trên các luật lệ quốc tế, cũng như gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã lên tiếng cảnh báo căng thẳng thương mại toàn cầu có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ khi làm giảm nhu cầu đối với dầu thô. Ngày 11-7, giá dầu thế giới đã có phiên giảm mạnh nhất 2 năm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Không ai dự báo được trước hậu quả tiếp theo thế nào.
Với việc thông qua giải pháp thương mại không ràng buộc để có thêm vai trò trong vấn đề thuế quan, Thượng viện Mỹ muốn “chặn” bớt khả năng của ông Donald Trump trong các vụ tranh chấp thương mại. Nhưng với tính cách không thỏa hiệp của ông Donald Trump, không biết mục tiêu này của Thượng viện Mỹ có thành công hay lại đẩy 2 nhánh quyền lực Hành pháp và Lập pháp của Mỹ vào cảnh đối đầu?