Thuồng luồng nuốt chửng trên sàn chứng khoán

ANTĐ - Tính trung bình từ trong năm 2013, mỗi ngày tổng số tiền giao dịch khớp lệnh trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa quá 700 tỷ VNĐ. Với một thị trường héo hon như vậy, trên 100 công ty chứng khoán (CTCK) chỉ còn ngồi nhìn nhau, uống trà đá giải buồn và mơ ngày hoàng kim trở lại. Với thị trường này số tiền dịch vụ còn lâu mới đủ trả tiền lương cho nhân viên và bộ máy quản lý tinh giản đến mức có khi Giám đốc công ty cũng kiêm luôn nhân viên giao dịch. 

(Ảnh minh họa Internet)

Đấy là dịch vụ, còn lĩnh vực tự doanh thì bây giờ nhiều CTCK nghĩ đến đầu tư chứng khoán, mồ hôi đã toát ra giữa mùa heo may rồi. Vốn liếng teo tóp chỉ còn chưa đến 50% như bây giờ chính là “nhờ” tự doanh mà ra. Mỗi mùa đại hội cổ đông, các nhà quản lý cứ cắm mặt xuống trốn ánh mắt truy nã của các cổ đông. Cũng khổ. Đã quá xa cái ngày chứng khoán tăng trưởng hàng ngày, mua hôm trước, hôm sau lãi đã kịch trần, tiền cứ chảy về hơn cả nước sông Đà. Cái hồi ấy, cùng với lợi nhuận, CTCK mọc lên như nấm sau mưa, vốn điều lệ cũng tăng với tốc độ phi mã. Còn bây giờ hầu như tất cả đang đau đầu tính đường thoát, thậm chí nhiều CTCK tính đường chết, chết làm sao cho khỏi lụy đến nhiều chuyện, nhiều người, làm sao cho thoát nợ.  

Lặng lẽ chết trong le lói đèn dầu

Thống kê cho thấy, cho đến nay đã có 3 CTCK tự nguyện giải thể; khoảng 10 CTCK rút nghiệp vụ môi giới và rút tư cách thành viên; một số CTCK rút bớt các nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh, tư vấn đầu tư; và nhiều CTCK đóng cửa bớt chi nhánh, phòng giao dịch... Ba CTCK Chợ Lớn, Âu Việt, Sao Việt đã nghiến răng quyết định giải thể, chia nhau số tiền lẻ trong quỹ còm, nhưng nhiều cổ đông đang đau khổ thừa nhận, tiền còn chưa thấy mà các khoản nợ thỉnh thoảng lại lòi ra. Rất nhiều CTCK đã bằng cách này cách khác lặng lẽ rút khỏi hoặc biến mất trên thị trường như: Đại Việt, Cao Su, SME, Hà Nội, Trường Sơn, Thủ đô, Liên Việt, An Phát... bằng cách rút nghiệp vụ môi giới và rút tư cách thành viên; một số CTCK rút bớt các nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh, tư vấn đầu tư; và nhiều CTCK đóng cửa bớt chi nhánh, phòng giao dịch... Chưa kể 3 CTCK bị đình chỉ hoạt động, 11 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, 4 CTCK bị rút nghiệp vụ môi giới.

Thật sự trên thị trường chỉ còn khoảng 20 CTCK đang nắm gần như toàn bộ thị phần môi giới trên TTCK. Nhưng số còn lại cũng phải tính thế nào chứ. Một doanh nghiệp hoạt động theo luật, chết cũng phải chết theo luật. Không thể nào lặng im mà chuồn được. 

Thì đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vạch ra chương trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, mở đường cho các CTCK rút lui. Ngoài việc tự giải thể, tự rút các nghiệp vụ… còn có con đường sáp nhập, bán doanh nghiệp (M&A). Chỉ trong tháng 5, đã có tới 3 CTCK công bố thông tin về việc thay đổi sở hữu của cổ đông lớn. Ví dụ, Chứng khoán VIT “thay máu” 100% số cổ đông đang sở hữu…

Mới đây nhất, ngày 24-10, UBCK lần đầu tiên chấp thuận cho 2 CTCK hợp nhất là CTCP Chứng khoán MB (MBS) và CTCP Chứng khoán VIT (VITS). Theo đó, cổ phiếu MBS (vốn điều lệ 1.200 tỷ) và VITS (46 tỷ) sẽ được hoán đổi để hợp nhất thành một CTCK mới vẫn lấy tên là MBS có vốn điều lệ 621 tỷ đồng. Công ty hợp nhất đi vào hoạt động có quy mô vốn nhỏ hơn (so với quy mô hợp nhất của 2 CTCK ban đầu) và được xem là cách thức để các DN này hợp thức hóa việc xóa lỗ lũy kế từ hoạt động trong các năm trước đó. Được biết, MBS trước đó đã lỗ lũy kế tới hơn 500 tỷ đồng (trong tổng vốn 1.200 tỷ), còn VITS cũng lỗ khoảng một nửa số vốn 46 tỷ đồng ban đầu của mình. Gần đây, giới đầu tư cũng đã biết đến thông tin SBS xin ý kiến hợp nhất với Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Trên thực tế SBS từng nổi tiếng hơn rất nhiều PNS. Tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ và bị hủy niêm yết trên HOSE từ hồi tháng 3 vì âm vốn chủ sở hữu, SBS đã rớt xuống một vị trí rất thấp. PNS trong khi đó vẫn là một CTCK thuộc tầm trung với vốn 340 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm có lẽ ở chỗ tình hình tài chính của PNS vẫn khá tốt, có lãi và đòn bẩy vốn thấp. Việc hợp nhất giữa SBS và PNS có thành hay không, hay TTCK sẽ còn chứng kiến vụ hôn nhân nào nữa hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Dù vậy, với nhiều NĐT, xu hướng hợp nhất giữa các CTCK có tình hình kinh doanh không quá tệ hại, và có điểm mạnh hỗ trợ nhau, giảm bớt điểm yếu cho nhau là một hướng tái cấu trúc đầy triển vọng. 

Hiện tượng nhiều CTCK sáp nhập hoặc bán để mất tên trên thị trường chứng khoán sẽ còn diễn ra. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và nhiều năm nữa chỉ đủ chỗ chứa cho khoảng 30 CTCK. Miếng bánh có ngần ấy, đông người thì đói, đi chỗ khác kiếm ăn là thượng sách.

Nhưng đi cũng không dễ

Có thể thấy, quá trình tái cấu trúc các CTCK đã có nhiều chuyển biến, theo hướng thu hẹp lại số lượng, giảm bớt các CTCK hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng các CTCK đã chính thức rút hẳn khỏi thị trường vẫn còn rất khiêm tốn. Lý do tại sao? Theo điều tra của chúng tôi, rất nhiều CTCK đã muốn rút ra khỏi thị trường, nhiều CTCK muốn giải thể, muốn được “chết”. Nhưng không phải muốn chết là chết được. Có 2 lý do, một thuộc về thủ tục hành chính, tức là khách quan, một là chủ quan.

Về chủ quan, nhiều CTCK không thể kết sổ sách, thậm chí không giải quyết được nợ nần, đúng hơn là không có khả năng trả nợ, trong đó có nhiều khoản nợ, hở ra, có khi ra tòa theo kiểu sử dụng trái phép tiền của nhà đầu tư, bán khống và không có khả năng mua bù… Có nhiều trường hợp các nhà quản lý, điều hành không làm đúng nghĩa vụ với cổ đông, giấu lỗ nhiều năm, bây giờ không hợp thức được… Lại có nhiều CTCK các cổ đông không đồng ý giải thể, cứ muốn nuôi con thuồng luồng nợ để chờ ngày tươi sáng. Ngày tươi sáng chưa đến mà con thuồng luồng mỗi ngày một to, sẽ đến lúc nó nuốt chửng các cổ đông cùng những hy vọng của họ. Trước khi nghỉ chơi CTCK phải giải quyết những ràng buộc đối với tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) mở tại đây. Số tài khoản này nếu không được tất toán (hủy bỏ) thì cũng phải chuyển sang CTCK khác quản lý. Đây là việc không dễ dàng và không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Để tăng cường tốc độ của tái cấu trúc thị trường chứng khoán, với những lý do chủ quan này, có lẽ phải tăng cường công tác kiểm toán bắt buộc các CTCK để tư vấn cho họ con đường ra khỏi những khó khăn, đồng thời loại bỏ các tội phạm ra khỏi thị trường chứng khoán. Theo những quy định pháp luật đã có hiệu lực UBCKNN đã có quyền khởi tố điều tra các vụ việc, các cá nhân vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Những nguyên nhân khách quan thì còn lớn hơn. Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt đã tâm sự: “Lập công ty chứng khoán khó một, đóng cửa công ty lại khó gấp 1.000 lần. Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của nhà đầu tư phàn nàn về việc chậm trễ tiến hành giải thể, khiến họ lo sợ không thu hồi xong vốn. Thực tế chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công đoạn mới giải thể được, chẳng hạn tất toán tài khoản, giải quyết công nợ, thanh lý tài sản, hợp đồng tư vấn và quản lý sổ cổ đông, quyết toán thuế, chưa kể còn phải đóng gói hồ sơ lưu trữ 15 năm. Những việc này hoàn tất xong mới tính đến chuyện chia tài sản”.