Thương lái “lạ” lại thu mua rễ cây hồ tiêu, bà con nông dân hãy cảnh giác

ANTĐ - Những ngày gần đây, người dân các xã tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai rất hoang mang khi có thông tin thương lái tiếp tục tận thu những thành phần của cây hồ tiêu như thân, rễ, lá... Thương lái mua các loại rễ cây này để làm gì thì người dân không biết, nhưng với giá mua cao nên không ít người đã lùng loại rễ cây này về bán cho thương lái.

Nhiều vườn tiêu rất dễ trở thành địa điểm của nạn trộm cắp gốc, rễ tiêu

Từ chuyện mua rễ hồ tiêu khô

Việc thương lái Trung Quốc mua gốc và rễ tiêu sống xuất hiện từ cuối năm 2012. Khi đó, ông Lê Thành Thiết, hộ khẩu thường trú tại 116/1 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku có đặt vấn đề với ông Mai Xuân Dũng (thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) về việc thu mua lại gốc, rễ cây tiêu còn sống. Lúc này, ông Dũng không nhận lời vì chưa có hàng để bán. Tuy nhiên khi ông Dũng đã tiến hành thu gom từ các vườn cây tiêu già cỗi do người dân phá bỏ được khoảng 2 tấn chất đống để ở nhà riêng thì người thu mua đã biệt tăm biệt tích. Về vấn đề này, ông Mai Xuân Dũng cho biết: “Tôi chỉ thu gom gốc và rễ tiêu theo đơn đặt hàng của ông Thiết và ông Thúy chứ không biết mua với mục đích gì và bán cho ai. Tôi có nghe nói rễ và gốc tiêu này bán cho các thương lái người Trung Quốc. Nhưng họ đã cho tôi ăn một “quả” lừa cay đắng khi bao nhiêu vốn liếng tôi đổ hết vào thương vụ mua may bán rủi này. Bây giờ, lại xuất hiện thông tin thu mua thì tôi thực sự không lấy làm bất ngờ lắm nhưng tôi cũng khuyên mọi người hãy hết sức cảnh giác!”.

Trao đổi với phóng viên, rất nhiều người dân trồng hồ tiêu tại các xã Bờ Ngoong, Ia Blang, Ia Glai, Ia Tiêm (huyện Chư Sê) đều cho biết người thu mua các sản phẩm này là các thương lái người Trung Quốc. Họ luôn có phiên dịch đi cùng để dễ dàng trong việc trao đổi thu mua. “Họ nói chỉ mua gốc và rễ của cây hồ tiêu còn sống chứ không mua rễ chết. Các loại rễ và gốc tiêu tươi này được thu mua với giá rất cao, và đặc biệt là thu gom bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Chúng tôi không biết họ thu mua làm gì nhưng vẫn rất cảnh giác bởi trước đây cũng đã có tình trạng này xảy ra!”, ông Nguyễn Xuân Cảnh (trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) khẳng định.

Từ khi thông tin thu mua các thành phần của cây hồ tiêu xuất hiện cho đến nay đã khiến người dân các xã thuộc huyện Chư Sê và Chư Pưh là nơi sản xuất hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Gia Lai hoang mang. Một người dân tại thôn 4, xã Bờ Ngoong (yêu cầu giấu tên) cho biết: “Thông tin này nếu phát tán rộng rãi sẽ không tốt. Một số người dân nhận thức chưa cao thấy lợi trước mắt sẽ chặt bỏ vườn tiêu để bán gốc và rễ, thậm chí còn tới các vườn tiêu khác trộm cắp, phá hoại để có sản phẩm mang về bán!”. Chính vì việc thu mua gốc, rễ hồ tiêu với giá cao nên rất nhiều người dân đang “vô công rồi nghề” bỗng chốc có “việc làm” là đi thu gom gốc, rễ cây tiêu đem bán với giá 45.000 đồng/kg. Đặc biệt, liên tiếp xảy ra hiện tượng đào trộm gốc, rễ tiêu của người khác đem bán, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. 

Hãy cảnh giác với những chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Ông Mai Xuân Dũng, một tiểu thương chuyện thu mua các sản phẩm này ở xã Ia Blang cho biết, khi ông đang trên đường đưa “hàng” lên TP.Pleiku cùng ông Lê Thành Thiết và ông Nguyễn Ngọc Thúy (cùng trú P.Tây Sơn, TP.Pleiku) thì bị CA xã Ia Blang tạm giữ, tịch thu toàn bộ rễ tiêu. Cùng với đó, ông đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động không thu mua rễ tiêu để tránh rơi vào bẫy của thương lái Trung Quốc, cũng như không tiếp tay cho nhiều kẻ phá hoại vườn tiêu của người nông dân. Mặc dù đến thời điểm này, ông Dũng không thu mua gốc, rễ tiêu nữa, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân gọi điện thoại đến bán cho ông. Hiện tại, nhiều vườn tiêu đang đứng trước nguy cơ bị các đối tượng phá hoại bằng việc cắt trộm gốc, rễ tiêu mang bán cho các tiểu thương kiếm lời. 

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, Công an các xã nơi xảy ra hiện tượng này đã trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt tình hình. Sau khi UBND huyện nhận được báo cáo của công an huyện về việc người Trung Quốc mua gốc tiêu và rễ tiêu tại huyện, UBND huyện đã có công văn về việc ngăn chặn tình trạng thu mua gốc rễ tiêu. Theo đó, việc thu mua gốc rễ tiêu tuy chưa xác định rõ mục đích nhưng dễ dẫn đến tình trạng người dân đào trộm gốc và rễ cây hồ tiêu để bán, ảnh hưởng đến ANTT và tác động xấu đến sự phát triển sản xuất của người dân. UBND huyện đã yêu cầu  lãnh đạo các phòng ban, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và ngăn chặn việc thu gom gốc và rễ cây hồ tiêu để bán. Trước đó, vào thời điểm thông tin này rộ lên cách đây chừng một năm, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Đào Xuân Liên đã ký công văn ban hành về việc Cảnh báo tình hình người Trung Quốc thu mua rễ tiêu tại tỉnh Gia Lai. 

Cảnh giác với tình trạng thu mua để phá hoại, chính quyền các cấp đã vào cuộc, vận động người dân không được chặt phá bừa bãi gốc, rễ cây tiêu đem bán. Anh Nguyễn Xuân Bảng (thôn 4, xã Ia Blang) cho biết: “Cả vườn tiêu đang cho thu hoạch, chỉ cần một phần bộ rễ có vấn đề thì coi như vụ sau thất bát. Đấy là chưa kể đến những kẻ trộm cắt toàn bộ rễ tiêu thì cây tiêu sẽ chết. Hồ tiêu của Chư Sê mỗi năm sản xuất và đóng góp cho ngân sách Nhà nước không ít. Nếu ngành kinh tế này bị thất thu thì ngân sách Nhà nước cũng suy giảm. Trước tình trạng này, người trồng hồ tiêu chúng tôi đang ngày đêm bảo vệ từng gốc tiêu của mình!”. 

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cảnh báo: “Đây là một chiêu trò cũ rích của thương lái Trung Quốc hòng phá hoại thương hiệu hồ tiêu Chư Sê của chúng tôi. Có thể họ sẽ làm xấu hình ảnh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Nếu đây là một đòn kinh tế thì chúng ta cần hết sức cảnh giác để không rơi vào bẫy của thương lái Trung Quốc. Bà con nông dân cần rất cảnh giác trước những chiêu trò mang tính phá hoại như thế này!”. Hiện tại, chính quyền chức năng huyện Chư Sê đang giám sát chặt chẽ những địa phương đang xảy ra hiện tượng đào bới để kịp thời ngăn cản. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng đang vận động tuyên truyền người dân hiểu việc các thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu có thể là một âm mưu phá hoại để bà con cảnh giác.

Mục đích việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu được nhiều người cho rằng trong gốc, rễ tiêu cũng có những thành phần như hạt nhưng kém chất lượng hơn. Họ mua về rồi chế biến và trộn lẫn vào hạt hồ tiêu để xuất lại thị trường Việt Nam với giá cao hơn kiếm lời, hoặc xuất ra nước ngoài làm ảnh hưởng tới thương hiệu hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng thế giới đã được bảo hộ độc quyền.