Thương hiệu Yahoo đã "tự sát" như thế nào?

ANTĐ - Cuối tháng 7 vừa qua, Yahoo chính thức bị Verizon thâu tóm. Hiện chưa rõ thương hiệu này sẽ được giữ lại hay bị xóa sổ vĩnh viễn, tuy nhiên, đây được coi như dấu chấm hết cho một “triều đại” Yahoo vốn đã có nhiều dấu hiệu suy tàn.

Yahoo - một trong những ngôi sao sáng thời kỳ sơ khai Internet kết thúc hơn 20 năm tồn tại độc lập khi Verizon quyết định chi 4,83 tỷ USD để mua lại mạng kinh doanh Internet – mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo với những dịch vụ như Yahoo Mail, trang lưu trữ ảnh Flickr, công cụ tìm kiếm và công nghệ quảng cáo của Yahoo... Giá nói trên được một số chuyên gia cho là “hời” với thương hiệu này, dù trước đó Microsoft từng đề nghị trả hàng chục tỷ USD để sở hữu được Yahoo. Thỏa thuận mua bán giữa Verizon và Yahoo phải được chính phủ Mỹ thông qua, do đó có thể đến quý I-2017, thương vụ mua bán này mới hoàn thành.

Được biết, Yahoo do 2 sinh viên cao học tại trường Đại học Stanford là David Filo và Jerry Yang sáng lập năm 1994 và tập đoàn với tên gọi Yahoo!Inc được thành lập một năm sau đó, trụ sở đặt tại California. Yahoo khởi đầu là “Jerry’s Guide to the World Wide Web” (Cẩm nang của Jerry về mạng lưới) và sau này được đổi tên. Tên Yahoo được ông Filo và Yang chọn vì họ thích nghĩa của từ “yahoo” trong từ điển (một giống thú mang hình người trong quyển Những cuộc du hành của Gulliver).

Hãng Telegraph của Anh đã chỉ ra những lý do giải thích phần nào nguyên nhân sụp đổ của Tập đoàn Yahoo:

1. Bỏ lỡ cơ hội với Google, Flickr

Năm 2002, Yahoo có cơ hội sở hữu Google khi 2 người sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page muốn bán thương hiệu này với giá 1 tỷ USD. Nhưng giám đốc điều hành của Yahoo khi đó Terry Semel đã do dự không quyết định, sau đó Google nâng giá lên 3 tỷ USD. Paul Graham, một cựu nhân viên của Yahoo cho rằng, thời điểm đó Yahoo không coi tính năng tìm kiếm là công cụ quan trọng, cần thiết với doanh nghiệp của họ. Hiện giờ, Google phát triển rực rỡ trong khi Yahoo rơi vào quên lãng.

Chỉ ra yếu tố trái ngược này, tờ Wall Street Journal cho rằng, khởi điểm Yahoo vốn không dựa trên công nghệ. 2 nhà sáng lập Yahoo năm 1994 có trong tay vài trăm website trôi nổi trên công nghệ sơ khai lúc đó gọi là Internet. Họ thuê vài chục nhân viên để thực hiện công việc đưa các lệnh từ trên các website về điều hướng của họ và thêm vào các dịch vụ như tin tức, thư điện tử, phòng trò chuyện để củng cố vị trí như một cổng thông tin điện tử. Trong khi đó, những người sáng lập Google chọn cách xây dựng thuật toán “len lỏi” vào Internet để thu thập dữ liệu. Cách tiếp cận này tự động hóa hoàn toàn và mở rộng quy mô dễ dàng khi Internet bùng nổ.

Trước mạng xã hội Facebook, Instagram và Google Photo là Flickr - một trang chia sẻ ảnh mà Yahoo đã mua năm 2005. Khi đó, đội của Flickr có kế hoạch chuyển đổi trang web này thành một mạng xã hội. Nhưng Yahoo đã bỏ qua cơ hội này và quản lý sai lầm Flickr. Sai lầm này cũng lặp lại như cách Yahoo xử lý với GeoCities, Delicious và gần đây là Tumblr.

Một trong những quyết định lớn của Marissa Mayer khi làm giám đốc điều hành Yahoo là thâu tóm Tumblr – một dịch vụ tiểu blog và mạng xã hội - vào năm 2013 với giá khoảng 1,45 tỷ USD. Khi đó, Tumblr chưa tạo ra lợi nhuận và bà Mayer có kế hoạch kiếm tiền từ các mạng xã hội tiểu blog nhờ các quảng cáo. Nhiều thông tin chỉ ra rằng, Yahoo đã đánh giá quá cao Tumblr với mục đích thu về hàng triệu đô la. Số người sử dụng và doanh thu đã chậm hơn dự kiến, cũng như vấn đề tái thiết kế đã khiến Tumblr “hòa tan” vào Yahoo và nhầm lẫn về tương lai phát triển của mạng này.

2. Không thâu tóm Facebook

Năm 2006, Yahoo tiếp cận Facebook với đề nghị mua lại với giá 1 tỷ USD. Mặc dù ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã từ chối đề nghị này, nhưng ban lãnh đạo Facebook ép ông phải bán nếu lời đề nghị mua tăng lên 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, giám đốc điều hành khi đó của Yahoo Terry Semel đã không chấp nhận tăng giá.

3. Từ chối 44,6 tỷ USD từ lời gợi ý của Microsoft

Năm 2008, Yahoo từ chối 44,6 tỷ USD đề nghị mua lại từ Microsoft. Giám đốc điều hành của Microsoft thời gian này là Steve Ballmer đã cố gắng thuyết phục Yahoo “bán thân”, nhưng ban lãnh đạo của Yahoo cho rằng giá của đề nghị này “quá thấp”. Vào năm sau, Yahoo từ bỏ nỗ lực tạo ra một công cụ tìm kiếm của riêng mình và phải ký một thỏa thuận để sử dụng công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.

4. Thiếu người đủ năng lực dẫn dắt

Sự lãnh đạo khôn ngoan, quyết đoán đã giúp nhiều công ty công nghệ gặp khó khăn đảo ngược được suy thoái. Có thể lấy ví dụ như Steve Jobs của hãng Apple, Satya Nadella của Microsoft và Eric Schmidt của Google. Tuy nhiên, Yahoo lại không thể tuyển được một giám đốc điều hành đủ năng lực để dẫn dắt tập đoàn này.

Ông Semel được cho là giám đốc điều hành công nghệ tệ nhất, bà Carol Bartz “tai tiếng” với những cơn giận khó kiểm soát, ông Scott Thompson thì từ chức giữa những cáo buộc gian dối sơ yếu lí lịch.

Trong khi đó, ông Jerry Yang - đồng sáng lập Yahoo lại rời khỏi tập đoàn năm 2012 để “theo đuổi những quan tâm bên ngoài Yahoo”. Sự từ chức này khiến Yahoo mất đi động lực phát triển, thiếu sự lãnh đạo sáng suốt và tầm nhìn của những người sáng lập.

Cũng vào năm này, bà Marissa Mayer được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Yahoo. Nhưng với hàng triệu đô la rót vào Yahoo từ cổ phần của tập đoàn này tại Alibaba, bà Mayer vẫn không thể đưa Yahoo hướng tới một tương lai thịnh vượng.

6. Không có sứ mệnh rõ ràng

Một trong những điểm yếu nổi cộm nhất của Yahoo là trong 2 thập niên qua đã thất bại trong việc tìm ra sứ mệnh hoạt động của mình. Trong 24 năm, họ có 24 bản giới thiệu công ty khác nhau, trong khi không phân định được Yahoo là tập đoàn công nghệ hay truyền thông lớn.

6. Cái chết của cổng thông tin điện tử

Khi Google và Facebook trở thành những “người khổng lồ” trên nền tảng web 2.0, Yahoo vẫn loạng choạng. Tập đoàn này không có công cụ tìm kiếm riêng và vẫn loay hoay tận dụng tiềm năng xã hội của Flickr và Tumblr. Trong xu hướng ngày tàn của các cổng thông tin điện tử với việc ra đi của AOL, MSN, Yahoo cũng từ giã thời vàng son.