Mỹ - Trung Quốc: Lao vào cuộc chiến mà tất cả cùng thua thiệt

ANTD.VN - Cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động tiêu cực tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này mà còn phủ bóng đen đầy u ám lên nền kinh tế toàn cầu.

Dù chịu những bất lợi song Trung Quốc cũng nắm giữ trong tay những loại vũ khí có thể gây tổn hại cho kinh tế Mỹ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “khai hỏa” cuộc chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc khi liệt nước này vào “danh sách đen” các quốc gia thao túng tiền tệ đã gây ra cơn rung chấn mạnh với hai quốc gia cũng như thị trường toàn cầu. Rung chấn này còn tiếp tục bùng lên trong tương lai bởi ông chủ Nhà Trắng còn tuyên bố đầy cứng rắn rằng, “kho vũ khí” của ông còn rất dồi dào trong cuộc chiến với đối thủ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Với việc đưa Bắc Kinh vào danh sách thao túng tiền tệ, Washington có thể áp dụng Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus, theo đó cho phép Tổng thống Mỹ ra quyết định hạn chế nhập hàng hóa Trung Quốc nếu xét thấy hàng hóa nhập khẩu từ những nước này gây tổn hại đến thị trường Mỹ. 

Đồng thời, Mỹ sẽ ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc cũng không thể tham gia những dự án hợp tác lớn tại Mỹ, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ…

Tuy nhiên, đó chỉ mới là một phần những đòn tấn công mà Washington có thể sử dụng, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn những loại “vũ khí” lợi hại chẳng kém. Một trong những đòn tấn công uy lực nhất mà ông chủ Nhà Trắng có thể thực hiện với Trung Quốc là “vũ khí hóa” USD, đồng tiền dự trữ chủ chốt trên thế giới, bằng cách yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm thêm lãi suất nhằm làm suy yếu USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump có thể tiếp tục sử dụng thứ “vũ khí” ông “ưa thích” từ khi bước vào Nhà Trắng là tăng thêm mức thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Tính tới hiện nay, Mỹ đã nâng thuế lên 25% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và vừa tuyên bố ngày 13-8 về việc tạm hoãn tăng thuế lên 10% đối với hơn 300 tỷ USD số hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ, song không loại trừ thực hiện điều này trong tương lai, thậm chí còn tăng lên tới 25%.

Trong tay Tổng thống Donald Trump còn nhiều loại “vũ khí” khác, tuy nhiên với số “vũ khí” trên cũng đã đủ gây ra trận chiến tiền tệ và thương mại ác liệt với những tổn thất khôn lường cho Trung Quốc. Bắc Kinh đương nhiên chẳng thể ngồi yên “chịu trận” mà chắc chắn cũng mang ra những thứ “vũ khí” lợi hại nhất của mình để chống đỡ, đồng thời đáp trả.

Một trong những đòn phản kích trực diện nhất là tiếp tục làm suy yếu hơn nữa đồng Nhân dân tệ để hậu thuẫn cho việc xuất khẩu và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ cũng như thế giới. Tuy nhiên, việc hạ giá đồng tiền này sẽ có cái ngưỡng nhất định, bởi một đồng Nhân dân tệ quá yếu sẽ kích hoạt cho vốn đầu tư ồ ạt “di tản” khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang nắm trong tay thứ “vũ khí” mà giới chuyên gia cho rằng có sức công phá lớn là số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.100 tỷ USD. Với số trái phiếu này, Trung Quốc - hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ - về lý thuyết có thể tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường trái phiếu nếu bán ra khối lượng lớn số trái phiếu chính phủ Mỹ. Song đây cũng có thể là “con dao hai lưỡi” với Trung Quốc làm mất giá số trái phiếu còn lại mà họ nắm giữ.

Bởi thế, dù cùng có trong tay những thứ “vũ khí” tấn công nhau trong cuộc chiến tranh tiền tệ, nhưng mang ra sử dụng lại dẫn tới cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”. Cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay dựa vào xuất khẩu, dịch vụ như Singapore… Trong bối cảnh lao đao của kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Trung ương các nước phát triển như Anh, Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu… đã tính tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với những biến động, “rung lắc” mạnh của nền kinh tế.