Thực và Đạo

ANTĐ - Việc đầu tiên VPF tiếp quản quyền tổ chức các giải quốc nội không phải nâng cao chất lượng giải mà là phát động “cuộc chiến” bản quyền truyền hình, cùng việc ký biên bản ghi nhớ để VTV độc quyền lĩnh vực này. Sau hàng loạt diễn biến, cơ hội để VPF giành chiến thắng gần như không còn. Nói cách khác, VPF đang ở tình thế kẻ thua cuộc. 

Các giải đấu của Việt Nam vẫn chưa thể tốt đẹp như lời nói của nhiều người

Cái lợi rõ nhất là thương hiệu của các ông bầu trong VPF được đánh bóng, giúp ích cho việc kinh doanh (ngoài bóng đá) của họ. Trong khi mục tiêu mà VPF “nhân danh” khi tham gia cuộc tranh chấp bản quyền là “đòi lợi ích cho bóng đá Việt Nam” coi như thất bại. 

VPF nhảy vào cuộc chiến bản quyền ngay sau khi thành lập, lại chưa được chính thức chuyển giao thương quyền từ VFF bị xem là quá vội vã. Đã qua gần nửa mùa giải, điều người hâm mộ được chứng kiến chẳng khá hơn các mùa giải trước, thậm chí thống kê số lượng trọng tài bị treo còi, cờ, chuyển xuống hạng nhất hay đuổi vĩnh viễn lại tăng vọt. Và trong những khuyết điểm này có phần trách nhiệm từ sự lơ là của VPF - đơn vị tổ chức giải. “Có thực mới vực được đạo” bởi về bản chất, bản quyền bóng đá chỉ giá trị khi chất lượng giải đấu tăng. VPF đã nói nhiều về cái gọi là “vì quyền lợi bóng đá Việt” nhưng sau hàng loạt động thái vừa qua, người ta chỉ thấy hình ảnh một V-League trì trệ như hơn 10 năm qua, cùng việc thương hiệu của VPF và các ông bầu được đánh bóng. 

2. Phong trào làm bóng đá nở rộ từ hơn thập kỷ trước, dù đến nay, chưa một ông bầu nào dám khẳng định thu lời được từ môn thể thao này. Nhưng qua bóng đá để tạo dựng thương hiệu, gián tiếp phát triển kinh doanh của các ông bầu thì ai cũng thấy. Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về động cơ của các ông chủ khi nhảy vào bóng đá. “Có thật các ông bầu VPF thực lòng muốn tốt cho bóng đá Việt Nam”, đó vẫn là câu hỏi nằm trong bí ẩn, khó có thể tìm lời đáp cặn kẽ. 

Sự phát triển của một nền bóng đá được chứng minh bằng chính thành tích của ĐTQG. Nhưng thực tế, thành tích đó luôn khiến người hâm mộ phải thất vọng. Nguyên nhân được chỉ là do chất lượng các giải quốc nội kém, kéo theo chất lượng cầu thủ nội yếu. Điều này đã được chỉ ra từ hàng thập kỷ qua, nhưng để thay đổi lại là vấn đề khác. 

3. Các CLB đóng vai trò then chốt trong việc phát triển giải đấu. Nói rộng ra, là tương lai của ĐTQG hay bóng đá Việt Nam đều phụ thuộc vào đấy cả. Ai cũng biết việc đội hình có nhiều ngoại binh sẽ ảnh hưởng chất lượng cầu thủ nội, nhưng vì nhiều lý do mà các ông bầu vẫn liên tục ký hợp đồng với cầu thủ ngoại. 

Ngoài miệng, có thể người ta nói nhiều về đạo lý này nọ, về những mục tiêu cao cả, nhưng những gì đang diễn ra ở thực tế, sao mà khác nhau đến vậy?