Cam kết xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc gặp ngoại trưởng nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vừa diễn ra tại Melbourne, Australia là bước tiến nữa của “Bộ tứ” trong việc hiện thực hóa mục tiêu biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở, cũng như cam kết của Mỹ “xoay trục” sang khu vực này.

Mỹ không sao nhãng những ưu tiên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Bất chấp đang phải đối phó với căng thẳng trong quan hệ với Nga liên quan đến việc mở rộng NATO và tình hình phức tạp ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bay đến Australia để cùng những người đồng cấp đến từ Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tham dự cuộc họp ngoại trưởng nhóm “Bộ Tứ”.

Đây là cuộc gặp ở cấp cao tiếp theo của nhóm “Bộ tứ” sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên vào tháng 9-2021 và cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3-2021. Tần suất khá dầy của các cuộc gặp là thông điệp khẳng định cam kết “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp đang phải đối mặt với nhiều mối căng thẳng khác. Theo các nhà quan sát, Mỹ muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chiến lược dài hạn của Mỹ vẫn chú trọng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao ở nơi khác không làm Mỹ sao nhãng những ưu tiên quan trọng tại khu vực này.

Trả lời báo giới trên chuyến bay đến Australia, ông Antony Blinken nhấn mạnh: “Thế giới rộng lớn. Lợi ích của nước Mỹ mang tính toàn cầu và trọng tâm của nước Mỹ là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ông Daniel Kritenbrink, Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thì cụ thể hóa hơn bằng lời giải thích: “Nhóm “Bộ tứ” là một thành tố chủ yếu trong chính sách đối ngoại về an ninh và kinh tế của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong lần tập trận cùng lực lượng Nhật Bản và Australia ở biển Philippines

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong lần tập trận cùng lực lượng Nhật Bản và Australia ở biển Philippines

Trong tính toán của Mỹ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ nổi lên thành khu vực mang tầm chiến lược trong vài năm tới đây. Đây là khu vực năng động nhất trên thế giới, đa dạng và giàu có với rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà lãnh đạo nhóm “Bộ tứ” thấy rõ có nhiều thách thức cần phải vượt qua trong một thế giới rất phức tạp và đang thay đổi. Chính vì thế, Mỹ cho rằng phải tận dụng thời gian để hợp tác với các đối tác cùng có lợi ích tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đức, Pháp… nhằm xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền phi pháp cùng những căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông càng thúc đẩy Mỹ và các thành viên “Bộ tứ” phải thể hiện rõ hơn tầm nhìn cũng như đẩy mạnh hoạt động trên thực tế. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 9-2021, các nhà lãnh đạo nhóm “Bộ tứ” khẳng định cam kết hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Quan điểm của “Bộ tứ” là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là nơi chủ quyền của mọi quốc gia được tôn trọng và là nơi các tranh chấp phải được dàn xếp ôn hòa, không bị cưỡng ép. Muốn thế thì các vấn đề vướng mắc phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, để ứng phó với các thách thức đối với trật tự hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhóm “Bộ tứ” nêu rõ phải thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tại cuộc gặp lần này tại Melbourne, “Bộ tứ” một lần nữa tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo không có sự “cưỡng ép” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì mục tiêu để bất cứ nước nào, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tự do đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình. Theo các nhà quan sát, lời khẳng định này là nhằm vào Trung Quốc, nước đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự trong khu vực.

Tuyên bố của các ngoại trưởng nhóm “Bộ tứ” đã gặp phải sự phản ứng của Trung Quốc. Trả lời trong cuộc họp báo, ông Triệu Lập Kiên-người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích “Bộ tứ” là công cụ để kiềm chế Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ của Mỹ”. Ông Triệu khẳng định “liên minh kiềm chế Trung Quốc” không được ưa chuộng và sẽ không có triển vọng.

“Bộ tứ” ngày càng đi vào hợp tác thực chất và toàn diện hơn

Không chỉ bằng các tuyên bố, thời gian gần đây, nhóm “Bộ tứ” ngày càng đi vào hợp tác thực chất hơn, toàn diện hơn và được thể chế hóa hơn nhằm vào các giải pháp thiết thực và cụ thể cho các vấn đề toàn cầu, từ đối phó với đại dịch Covid-19, an ninh y tế toàn cầu, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, giáo dục và ngoại giao nhân dân, đến công nghệ quan trọng, an ninh mạng nghiên cứu vũ trụ.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái, nhóm “Bộ tứ” đã nêu sáng kiến cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước châu Á trước thời điểm cuối năm 2022. Việc tăng tốc này là nhằm bù đắp lại thiếu hụt do Ấn Độ tạm ngưng xuất khẩu vaccine hồi tháng 4-2021 do dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước. Nhật Bản thì giúp các đối tác trong khu vực mua vaccine thông qua khoản vay hỗ trợ ứng phó khẩn cấp khủng hoảng Covid-19 lên tới 3,3 tỷ USD.

Trong lĩnh vực khí hậu, “Bộ tứ” đã cam kết sẽ cùng phối hợp nhằm duy trì giới hạn nhiệt độ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tiếp tục các nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Bộ tứ” cũng đã công bố các sáng kiến, bao gồm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng đối với chất bán dẫn, thiết lập các chuỗi cung ứng năng lượng sạch, triển khai các mạng viễn thông 5G và các thế hệ tiếp theo an toàn, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực.

Về lĩnh vực không gian, các thành viên “Bộ tứ” thỏa thuận chia sẻ dữ liệu vệ tinh cho mục đích hòa bình như giám sát biến đổi khí hậu, ứng phó với thảm họa, sử dụng bền vững các đại dương và nguồn tài nguyên biển, tiến hành các tham vấn để bảo đảm sử dụng bền vững không gian. Các nước trong nhóm cũng triển khai cơ chế hợp tác mới trong không gian mạng và cam kết cùng phối hợp chống các mối đe dọa tấn công mạng, bảo đảm an toàn cho hạ tầng quốc gia quan trọng.

Trong cuộc gặp ngoại trưởng lần này, “Bộ tứ” tiếp tục xác định đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những chủ đề thảo luận chính. Tuy nhiên, các ngoại trưởng chỉ thảo luận để thúc đẩy đạt được các mục tiêu kể trên chứ chưa đưa ra các cam kết mới. Nhiều khả năng, các cam kết mới sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của “Bộ tứ”, dự kiến sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 5-2022 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo bốn nước thành viên.