Thua lỗ liên miên, đường sắt nguy cơ mất trắng hơn 3.200 tỷ đồng vốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tình hình như hiện nay, sang năm 2022, cả 2 Công ty vận tải đường sắt là Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, 3.200 tỷ đồng.

Lo ngại mất trắng 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho hay, năm 2020, bão lũ dù không gây thiệt hại trực tiếp về hạ tầng lớn so với các năm trước nhưng khiến hàng trăm chuyến tàu phải dừng.

Thiệt hại hoạt động vận tải sẽ tác động lớn nhất đến doanh thu của VNR đó là các Công ty vận tải, sức kéo.

Trong khi đó, hiện nay, trong lĩnh vực vận tải, người dân có nhiều nhu cầu lựa chọn như hàng không, đường bộ, đường thủy nên càng khiến ngành đường sắt sụt giảm mạnh.

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã làm vận tải khách du lịch gần không có nhưng vẫn phải chạy duy trì tuyến khiến ngành càng thua lỗ nặng nề.

Đường sắt thua lỗ, nguy cơ mất 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu

Đường sắt thua lỗ, nguy cơ mất 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu

“Với tình hình như hiện nay, sang năm 2022, cả 2 Công ty vận tải đường sắt là Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu (3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VNR sẽ hết vào 31/12/2022, toàn bộ nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua sẽ bị xóa sạch trong 2 năm tới đây).

Nếu không đánh giá đúng thực trạng sẽ không lựa chọn giải pháp tốt. Trong đó, sẽ có giải pháp tự làm và giải pháp phải nhờ cơ quan quản lý Nhà nước để từ đó ngành có thêm dư địa”, ông Minh bày tỏ.

Theo Chủ tịch HĐTV, ngành đường sắt hiện lạc hậu, hạ tầng cũ kỹ, chạy khổ đơn. Trong khi đó, toàn tuyến có đến 14.000 vị trí bị xâm phạm, gây mất ATGT.

“Trước khó khăn này, VNR phải tái cơ cấu là điều không ai muốn. Tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức. Bản thân lãnh đạo cũng trăn trở suốt ngày tái cơ cấu, anh em bảo nhau các anh tái gì mà tái nhiều thế”- lãnh đạo VNR cho hay.

Tái cơ cấu sẽ động chạm

Chủ tịch VNR cũng thẳng thắn, giai đoạn 2021-2022, VNR sẽ thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, chắc chắn sẽ động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm. Hiện, Đề án tái cơ cấu VNR đã trình 41 tháng nhưng vẫn chờ Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vào nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch VNR nhấn mạnh: “Chúng ta không còn ở trong giai đoạn, hành khách xếp hàng dài mua vé, nên cần giảm định biên. Bởi vậy, buộc phải tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, kiêm nhiệm bộ máy hành chính, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất. Năm 2021 ngành đường sắt còn đối diện với nhiều viễn cảnh và hiện thực khó khăn. Tôi mong cán bộ công nhân viên quyết liệt, đồng hành với Ban lãnh đạo triển khai các giải pháp, cứu vãn tháo gỡ vượt khó khăn nhằm khôi phục ngành”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước năm 2015 có chiến lược phát triển đường sắt gồm kết cấu hạ tầng, vận tải hoạch định chính sách 2030 và tầm nhìn 2050. Qua đánh giá ban đầu, chúng ta không đạt được mục tiêu chủ yếu là huy động nguồn lực đã quá kỳ vọng, tổ chức không đạt được mục tiêu về thời gian.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, những khó khăn và nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn và yếu, không thể làm một sớm một chiều trong thời gian ngắn mà trong thời gian dài, cần thay đổi về nhận thức, đầu tư, quản lý bảo trì; bộ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt là cực kỳ cũ và lạc hậu vì có nhiều yếu tố đặc thù; tái cơ cấu bộ máy VNR chậm tác động đến nhiều hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng.

Năm 2021, Bộ triển khai quy hoạch 2021-2030 sẽ đánh giá phân tích hoạch định tích cực hơn và chốt mạng lưới quy mô trong tương lai vì nhiều người kỳ vọng đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt nhánh, phân kỳ quy mô đầu tư, mối hàng hóa… đề xuất danh mục đầu tư ưu tiên. Cơ chế vận hành không thể thoát được Nhà nước đầu tư và thu hút nguồn lực tư nhân.

Báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, đại diện VNR cho biết, sản lượng khai thác hợp nhất của VNR chỉ đạt hơn 6.828 tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ năm trước).

Doanh thu ước đạt hơn 6.565 tỷ đồng (giảm gần 22% so với cùng kỳ). Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng (giảm gần 14% so với năm trước).

Trong đó, công ty mẹ đạt tổng doanh thu hơn 1.713 tỷ đồng (giảm gần 34% so với cùng kỳ), ước lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.

Khối doanh nghiệp vận tải chỉ đạt doanh thu hơn 2.909 tỷ đồng (giảm hơn 32% so với cùng kỳ).

Về phần người lao động, theo VNR, các chức danh trực tiếp chạy tàu đang có nguy cơ thiếu hụt, trong khi việc tuyển dụng nhân lực này ngày càng khó khăn.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, phải bố trí cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5 đến 13 ngày công một tháng. Thu nhập cho người lao động vì thế cũng giảm nhiều so với cùng kỳ.