Thủ tướng Pakistan đối mặt với bỏ phiếu bất tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong sự nghiệp khi phe đối lập đang chuẩn bị cho thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông…
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong sự nghiệp

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong sự nghiệp

Bắt đầu từ ngày 25-3, Quốc hội Pakistan nhóm họp tại Thủ đô Islamabad. Tại kỳ họp này, một cuộc bỏ phiếu nhằm loại bỏ chính phủ liên minh do đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) đứng đầu có thể diễn ra trong vòng 1 tuần. Đứng đầu cuộc vận động bỏ phiếu bất tín nhiệm này là các đảng đối lập chính gồm Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PMLN) và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Trong tháng 3, các đảng đối lập đã đệ trình kiến nghị của họ, nói rằng Thủ tướng - cựu ngôi sao cricket - đã mất đa số tại nghị viện sau khi khoảng 20 nhà lập pháp của đảng cầm quyền đào thoát, kêu gọi ông từ chức. “Hiệu suất của chính phủ này thật thảm hại. Mọi người đều có thể thấy điều đó, đặc biệt là về nền kinh tế. Việc các đảng viên PTI bỏ rơi ông Khan chỉ còn là vấn đề thời gian” - ông Naveed Qamar, một nhà lãnh đạo cấp cao của PPP nhận định.

Phe đối lập tin rằng họ có đủ sức mạnh để Quốc hội (gồm 342 thành viên) có thể loại bỏ Thủ tướng Khan trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ngoài phe đối lập, quân đội của Pakistan cũng được cho là đã rút lại sự ủng hộ đối với người lãnh đạo chính phủ. Người ta cho rằng, số phận của ông Khan có thể phụ thuộc vào tình trạng mối quan hệ với giới lãnh đạo quân sự của đất nước. Thực tế vào hồi tháng 10-2021, Thủ tướng Khan và Tổng Tư lệnh quân đội Qamar Bajwa đã bị cuốn vào một cuộc “đụng độ” bất thường, kéo dài hàng tuần và công khai về việc thay thế người đứng đầu cơ quan tình báo hàng đầu đất nước. Kết quả, ông Khan đã chịu thua ông Bajwa khi người mà Thủ tướng ủng hộ đã không thể giữ ghế Giám đốc cơ quan đó. Sự việc này khiến quân đội lùi hẳn một bước khi để các phe đối lập tăng áp lực đòi hạ bệ Thủ tướng.

Việc mất đi các nhà lập pháp bất đồng chính kiến đã khiến Thủ tướng Pakistan thiếu 172 người tối thiểu cần thiết để giữ được đa số ghế trong quốc hội. Trong khi đó, phe đối lập có 163 ghế trong hạ viện, nhưng họ có thể chiếm đa số nếu hầu hết những người rời bỏ đảng cầm quyền đứng về phe họ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mặc dù vậy, Thủ tướng Imran Khan, người lên nắm quyền dựa trên cương lĩnh chống tham nhũng và các cải cách chính trị khác, đã bác bỏ các cáo buộc của phe đối lập và hứa sẽ đánh bại cuộc bỏ phiếu này. Trong một video được phát hôm 24-3, nhà lãnh đạo này kêu gọi công chúng cùng tham gia vào cuộc tuần hành lớn ở Islamabad vào ngày 27-3 để chống lại “cái ác” và bảo vệ “nền dân chủ và quốc gia”.

Với căng thẳng gia tăng, Chính phủ Pakistan đã triển khai hàng nghìn cảnh sát xung quanh Quốc hội và trụ sở các cơ quan quan trọng khác từ ngày 24-3. Cho tới nay, chưa có Thủ tướng Pakistan nào hoàn thành đủ nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Pakistan sẽ diễn ra vào cuối năm 2023, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Sheikh Rasheed Ahmad tại một cuộc họp báo gần đây đã đề xuất tổ chức bầu cử sớm để xoa dịu cuộc đối đầu đang diễn ra. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã làm tăng nguy cơ khủng hoảng hiến pháp, hành chính và kinh tế Pakistan trong bối cảnh đang chờ Quỹ Tiền tệ quốc tế xem xét về đợt tiếp theo của gói giải cứu 6 tỷ USD.