Thủ tướng New Zealand đặt câu hỏi về Hiệp định an ninh Trung Quốc-Solomon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bà Jacinda Ardern - Thủ tướng New Zealand đã nói về “sự quyết đoán ngày càng tăng” của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương khi bà đặt ra động cơ của Hiệp định an ninh giữa quần đảo Solomon và Bắc Kinh.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Australia, New Zealand và Mỹ lo ngại hiệp định an ninh với Solomon có thể cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự trong vòng 2.000km tính từ bờ biển phía Đông của Australia. Một điều khoản đáng chú ý trong hiệp định này là cho phép Trung Quốc “thực hiện các chuyến tàu đến thăm, bổ sung hậu cần, dừng chân và chuyển tiếp ở quần đảo Solomon”.

Phát biểu với BBC, bà Ardern cho biết: “Một trong những lý do khiến chúng tôi bày tỏ sự thất vọng này là… Australia và New Zealand đều chú ý đến lời kêu gọi hỗ trợ của Solomon trong thời gian gần đây. Và một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh rằng, nếu có bất kỳ nhu cầu mở rộng nào, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ. Vậy còn khoảng trống nào mà cần một thỏa thuận như vậy với Trung Quốc?”. Nữ Thủ tướng New Zealand cho biết, Trung Quốc đã thể hiện “sự quyết đoán ngày càng tăng” và “sự quan tâm ngày càng tăng” ở khu vực Thái Bình Dương. Dù vậy, Wellington và Bắc Kinh đã có một “mối quan hệ chín chắn” và phải tiếp tục làm việc cùng nhau trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm. “Thế giới đang thay đổi, và khu vực của chúng ta là biểu hiện của điều đó” - bà nói.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta ngày 21-4 phát biểu với Đài tiếng nói New Zealand rằng, cả quần đảo Solomon lẫn Trung Quốc đều thiếu sự rõ ràng và minh bạch về thỏa thuận của họ, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng việc ký kết hiệp định an ninh đó là một thất bại lớn về chính sách đối ngoại của Australia hoặc New Zealand. “Phải nhớ rằng, ngay cả cộng đồng địa phương ở quần đảo Solomon cũng không có thông tin về vấn đề này và quốc hội bị chia rẽ về các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand với tỷ suất lợi nhuận đáng kể và chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, điều này dẫn đến suy đoán Wellington không thể có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Ardern bác bỏ ý kiến cho rằng đã đến lúc tham gia AUKUS - quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc.

Trong diễn biến có liên quan, ông Zed Seselja - Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Australia là người đã đến Honiara vào tuần trước để thúc giục Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare không tiếp tục thỏa thuận này. Ông Seselja cho biết, những cam đoan của Thủ tướng Sogavare rằng quần đảo Solomon sẽ không cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở nước này là “sự đảm bảo quan trọng”. Bộ trưởng Seselja nói với hãng tin Sky News rằng, Chính phủ Australia đã “chi một số tiền kỷ lục khi nói đến viện trợ, thỏa thuận an ninh hay hỗ trợ phản ứng với đại dịch Covid-19 trong khu vực. “Chúng tôi đã tăng cường trên mọi phương diện. Quần đảo Solomon là khoản chi viện trợ lớn thứ ba mà chúng tôi thực hiện ở mọi nơi trên thế giới, lớn thứ hai trong khu vực Thái Bình Dương sau Papua New Guinea”.

Phản ứng về việc này, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng ông đã “biết trước rủi ro về một thỏa thuận như vậy sắp xảy ra” và đó là lý do tại sao ông chọn quần đảo Solomon cho chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình sau cuộc bầu cử năm 2019. Ông Morrison nói thêm rằng, Trung Quốc “không tuân theo các quy tắc thông thường khi muốn gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực”. Thủ tướng Australia khẳng định đã thảo luận vấn đề này với bà Ardern “nhiều lần” và họ sẽ tiếp tục đề cập đến trong Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.