Thử phân tích kịch bản xấu nhất

ANTĐ - PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ xung quanh việc Philippines kiện Trung Quốc.

Thử phân tích kịch bản xấu nhất ảnh 1

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an

- Phóng viên Báo An ninh Thủ đô: Ông dự đoán thế nào về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague (Hà Lan) trong vụ kiện của Philippines?

- PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an: Tôi cho rằng, phán quyết của tòa Trọng tài Thường trực sẽ có lợi cho     Philippines và bất lợi đối với Trung Quốc. Về chi tiết của phán quyết, đến giờ chưa học giả nào dám đưa ra dự báo cụ thể những vấn đề mà PCA sẽ tuyên bố. 

Theo tôi, Tòa Trọng tài Thường trực có thể không đưa ra phán quyết trực tiếp rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là trái ngược với luật pháp quốc tế. Nhưng tòa sẽ sử dụng những từ ngữ khác, mềm dẻo hơn mà vẫn đạt được mục đích cho rằng yêu sách này của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.

Cơ sở để đưa ra nhận định này căn cứ vào phán quyết lần thứ nhất của PCA. Phán quyết vào ngày 29-10-2015 dài 151 trang này có nội dung: căn cứ theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, PCA có toàn quyền xử lý và thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc; việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện không ảnh hưởng đến kết luận của PCA, bởi lẽ cả Trung Quốc và Philipppines đều tham gia Công ước về Luật Biển, tất yếu phải tuân thủ những vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp.

Như vậy, phán quyết đầu tiên của PCA đã thể hiện rõ tính mâu thuẫn, đối kháng với quan điểm của Trung Quốc trong những vấn đề cơ bản trên phương diện pháp lý. Từ đó, tôi suy đoán, phán quyết cuối cùng ngày 12-7 này sẽ nghiêng về phía Philippines.

- PV: Theo ông, Trung Quốc sẽ có phản ứng gì trong trường hợp PCA ra phán quyết bất lợi hoặc có lợi cho quốc gia này?

- PGS-TS Lê Văn Cương: Đối với giả thuyết Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, điều này có thể xảy ra nhưng tôi cho rằng xác suất rất thấp và thậm chí là không. Trường hợp này, Bắc Kinh sẽ mở một đại chiến dịch tuyên truyền ngoại giao để khẳng định quan điểm của họ là đúng đắn và tiếp tục củng cố chủ quyền phi lý của quốc gia này ở khu vực “đường chín đoạn” trên Biển Đông.

Về trường hợp phán quyết của PCA bất lợi đối với Trung Quốc, nghĩa là có lợi với Philippines, tôi cho rằng có 2 tình huống: Phán quyết có lợi cho Philippines ở mức độ trung bình và phán quyết nghiêng hẳn về phía nước này. Trong 15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, PCA khẳng định tòa có thẩm quyền xử lý với 7 nội dung.

Ở tình huống thứ nhất, Tòa Trọng tài Thường trực có thể đưa ra phán quyết có lợi cho Manila đối với 3, 4 nội dung; số còn lại ở mức trung dung, không thiên về bên nào. Nếu như vậy, Bắc Kinh sẽ chủ yếu phản đối bằng con đường ngoại giao và truyền thông với lý luận tòa không đủ thẩm quyền để thụ lý vụ kiện này.

Trong tình huống thứ hai, phán quyết hoàn toàn có lợi cho Philippines, tôi nghĩ, Trung Quốc vẫn mở một chiến dịch truyền thông khổng lồ trên khắp hành tinh để tuyên truyền không thừa nhận phán quyết của PCA và biện minh cho yêu sách phi lý ở Biển Đông. Không chỉ vậy, Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng bằng các hành động trên thực địa. 

Lấy cớ là PCA thiên vị Philippines, Trung Quốc sẽ gần như công khai quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và xua đuổi tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất, Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Tôi cho rằng, Trung Quốc có thể lập ADIZ trái phép trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bởi quần đảo này là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thế giới sẽ không quan tâm nhiều. Còn nếu nước này tiến hành thiết lập ADIZ trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, sẽ động chạm tới lợi ích lớn của nhiều nước và cộng đồng quốc tế.

Vùng ADIZ này sẽ chồng lấn lên vùng thông tin bay của những thành phố lớn ở Việt Nam, Singapore, Philippines, Malaysia. Và kịch bản xấu nhất là, Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên bầu trời “đường chín đoạn”, tức là đặt toàn bộ khu vực ASEAN và giao thông hàng không hàng hải Biển Đông vào tầm khống chế. Điều này sẽ khiến quốc tế phản ứng dữ dội và kéo theo Biển Đông trở thành điểm nóng phức tạp của thế giới.

- PV: Theo ông, Philippines sẽ làm gì sau phán quyết và quan điểm của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong vấn đề này?

- PGS-TS Lê Văn Cương: Giả sử phán quyết bất lợi cho Philippines, nước này chắc chắn tiếp tục khiếu nại bằng nhiều con đường khác, trong đó Manila có thể kiện Bắc Kinh lên Tòa án Công lý quốc tế - một phân ban trực thuộc Liên hợp quốc để tạo ra dư luận quốc tế, kêu gọi quốc tế đứng về phía Philippines và nhận ra bản chất phi lý trong yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Trong trường hợp phán quyết của PCA có lợi cho Philippines, tôi cho rằng, dưới thời của Tổng thống Benigno Aquino III, Manila sẽ tăng cường hiện diện tại những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế, sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scarborough và đưa tàu tới cứu trợ binh sĩ đang bị Trung Quốc bao vây tại Bãi Cỏ Mây.

Tuy nhiên, trong thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, dù phán quyết của PCA có ủng hộ Philippines thì hiệu quả mang lại cũng không lớn. Ngày 5-7-2016, vị tổng thống này đã kêu gọi đàm phán hòa giải với Trung Quốc nếu phán quyết nghiêng về Manila và ông bày tỏ muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc.

Ý nghĩa vụ kiện đối với Việt Nam

Theo PGS-TS Lê Văn Cương, vụ kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam. Hồ sơ 4.000 trang về nội dung khiếu nại của Philippines với Trung Quốc là một công trình pháp lý dày dặn; giúp Việt Nam nhận rõ hơn khả năng pháp lý của mình và nhận rõ yêu cầu nâng cao hiểu biết về pháp lý quốc tế.

Dù tòa PCA ra phán quyết như thế nào thì đây cũng là một tài liệu để Việt Nam tham khảo, tính toán chiến lược chính sách trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Phán quyết này cũng giúp Việt Nam nhìn rõ hơn cơ sở pháp lý của quốc gia mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự cần thiết trong việc củng cố chứng cứ pháp lý về chủ quyền.