Thủ đoạn bôi xấu cá nhân bằng quảng cáo trên mạng xã hội

ANTD.VN - Quảng cáo trên mạng xã hội đang bùng nổ mạnh mẽ, hút nguồn tiền quảng cáo ngày càng lớn trên khắp thế giới khiến quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như báo chí, truyền hình… lao đao. Song đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những hành vi xấu - độc khi có kẻ bỏ tiền ra mua quảng cáo để đăng tải những thông tin, hình ảnh bôi nhọ người khác.

Thủ đoạn bôi xấu cá nhân bằng quảng cáo trên mạng xã hội ảnh 1Nhiều quốc gia đã vận dụng luật pháp để mạnh tay xử lý việc lợi dụng quảng cáo trên mạng xã hội để bôi nhọ cá nhân

Số người sử dụng mạng xã hội trên khắp thế giới đã cán mốc 3 tỷ người vào đầu tháng 8 vừa qua. Điều đáng nói là số “cư dân mạng” vẫn đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vượt xa số công dân mới ra đời trên thế giới với tốc độ cứ mỗi ngày lại có thêm khoảng 1 triệu người bước chân vào thế giới mạng toàn cầu.

Facebook đương nhiên là “quốc gia” mạng xã hội đông dân nhất thế giới khi hiện có tới hơn 2 tỷ người sử dụng hàng ngày. Đứng thứ hai là YouTube với khoảng 1,5 tỷ người dùng kênh chia sẻ video này. WeChat dù chỉ có người sử dụng ở Trung Quốc song cũng thu hút hơn 870 triệu người dùng nội địa…

Có số người dùng thường xuyên hàng ngày chiếm tới gần một nửa tổng số dân thế giới và đang tiếp tục gia tăng chóng mặt nên không ngạc nhiên khi quảng cáo toàn cầu đang “đổ vào chỗ trũng” mạng xã hội. Theo các tính toán, số tiền bỏ ra cho quảng cáo trên mạng xã hội sẽ lớn hơn số tiền bỏ ra cho báo chí từ năm 2020. Cụ thể, quảng cáo trên mạng xã hội đang duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Đến năm 2019, tổng số tiền giành cho quảng cáo trên mạng xã hội đạt 50,2 tỷ USD, kém 0,5 tỷ USD so với quảng cáo trên báo chí và sẽ soán ngôi của báo chí truyền thống kể từ năm 2020. Trong “miếng bánh” quảng cáo trên mạng xã hội, 2 “ông lớn” Facebook và Twitter sẽ chiếm 20% tổng giá trị quảng cáo vào năm 2019, tăng 4% so với năm 2016.

Chính vì thị phần quảng cáo ngày càng “béo bở” nên các mạng xã hội đua nhau tìm mọi cách để thu hút, tranh giành khách hàng. Từ đây đã xuất hiện những mặt trái gây tác hại ngày càng lớn cho không chỉ những người sử dụng mạng xã hội. Cũng giống như các thông tin giả được đưa lên mạng xã hội bởi những tài khoản không chính danh, không chịu trách nhiệm pháp lý và đạo đức, đã xuất hiện những quảng cáo giả - bẩn - xấu - độc trên mạng xã hội.  Những kẻ xấu với động cơ hèn hạ đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm nội dung quảng cáo của các trang mạng xã hội như Facebook để biến thành công cụ phát tán các thông tin vu khống, bịa đặt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Bỏ tiền ra mua “chỗ”, thậm chí bỏ nhiều tiền để có được “chỗ đẹp” là những kẻ xấu có thể phát tán các thông tin, hình ảnh để bôi nhọ, nói xấu và xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín cá nhân người khác trên mạng xã hội vốn có tính tương tác và lan truyền với tốc độ chóng mặt và không thể kiểm soát, ngăn chặn. 

Chỉ cần có một tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng, bất kỳ ai cũng có thể phát đi thông tin trên mạng xã hội bất kể nội dung của nó có là xấu - độc. Mục tiêu mà kẻ xấu hướng đến là lan truyền thông tin nhằm vào những người có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp với người bị hại, tạo sự hồ nghi và làm giảm uy tín của người bị bôi nhọ, vu khống.

Cùng với tin giả, quảng cáo bôi nhọ cá nhân đang nổi lên như là những vấn nạn đau đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước trong quá trình sửa đổi luật pháp để theo kịp những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống đã xếp việc quảng cáo bôi nhọ người khác vào các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác để áp dụng các chế tài pháp luật trong Bộ luật Dân sự hay Bộ luật Hình sự hiện có để mạnh tay xử lý.