Thông điệp đằng sau các đòn trừng phạt giữa EU và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng khi hai bên cùng tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào nhau. Điều đáng nói đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, EU mới áp dụng một biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc.
Đòn trừng phạt của EU với Trung Quốc thể hiện sự cứng rắn hơn trong chính sách với nước này

Đòn trừng phạt của EU với Trung Quốc thể hiện sự cứng rắn hơn trong chính sách với nước này

Đòn trừng phạt được cân nhắc kỹ lưỡng

Trong động thái căng thẳng mới nhất, Trung Quốc ngày 22-3 đã thông báo quyết định trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, 10 cá nhân EU bị Trung Quốc đưa vào “danh sách đen” trừng phạt sẽ cùng với gia đình của họ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau. Trung Quốc cho rằng, những cá nhân và thực thể này đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật”.

Đòn trừng phạt trả đũa của Trung Quốc được đưa ra sau khi EU trong cùng ngày 22-3 đã thông báo áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Trung Quốc, trong đó có một thực thể Nhà nước và 4 quan chức, với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền. Trong số các cá nhân và thực thể Trung Quốc bị EU trừng phạt có người đứng đầu cơ quan an ninh ở Tân Cương và Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù tại Tân Cương. Ngoài việc bị cấm đi lại tới EU, những cá nhân và thực thể gồm 27 thành viên này bị Liên minh trừng phạt còn bị phong tỏa tài sản.

Nếu nhìn vào mối quan hệ rộng lớn giữa EU - một trung tâm chính trị và kinh tế lớn và cường quốc hàng đầu thế giới như Trung Quốc thì đòn trừng phạt mà hai bên nhằm vào nhau hầu như chẳng thấm tháp gì. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để EU đi tới quyết định trừng phạt lần đầu tiên nhằm vào Trung Quốc trong suốt 32 năm qua kể từ sau những trừng phạt được đưa ra sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Dù biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng thực chất tới quan hệ làm ăn giữa hai bên nhưng EU đã cân nhắc, tính toán từ lâu và kỹ lưỡng. EU thời gian qua đã phải chịu nhiều sức ép phải có động thái răn đe Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền, nhưng liên minh này cũng phải cân não “nâng lên đặt xuống” trước khi chính thức công bố biện pháp trừng phạt.

Trung Quốc trước đó cũng đã tìm đủ cách gây áp lực để EU không áp dụng trừng phạt. Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh thoạt đầu “nhẹ nhàng” kêu gọi liên minh này “cân nhắc kỹ” và nói Trung Quốc muốn “đối thoại thay đối đầu”. Song cũng tỏ ra rất cứng rắn đe dọa rằng, “các lệnh trừng phạt có thể được hiểu là hành vi cố tình phá hoại lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc”. Thậm chí còn đe dọa là Trung Quốc sẽ không lùi bước và cảnh báo “trừng phạt nghĩa là đối đầu”.

Đòn trừng phạt giữa EU và Trung Quốc vì thế được xem là tín hiệu cho một sự thay đổi đáng chú ý trong quan hệ giữa liên minh hàng đầu thế giới và cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu. Quá sớm để nói về một một sự đối đầu nào đó giữa EU và Trung Quốc vào lúc này, tuy nhiên có thể là chỉ dấu cho sự thay đổi chính sách nhất định của liên minh này với Bắc Kinh trong tương lai.

Ứng phó mối đe dọa lợi ích chiến lược toàn cầu

Với sự phát triển mạnh của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, quốc gia này ngày càng trở thành một đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của châu Âu nói chung, EU nói riêng. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2020, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 586 tỷ euro (tương đương 711 tỷ USD), trong khi con số này với Mỹ là 555 tỷ euros (673 tỷ USD). Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đã tăng 2,2% lên mức 202,5 tỷ euro, còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 5,6% lên 383,5 tỷ euro. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 13,2% và nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm khá mạnh 8,2%.

Việc Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của EU bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn có chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong 4 năm dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cho dù thúc đẩy mạnh chính sách kinh tế nhằm kiềm chế Trung Quốc, song chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng trừng phạt luôn cả các đồng minh ở châu Âu nếu xuất siêu nhiều sang Mỹ.

Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên bình diện toàn cầu, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump lại áp đặt biện pháp đơn phương của Mỹ là chính chứ xem nhẹ hợp tác, phối hợp với các đồng minh, nhất là các đồng minh phương Tây vốn chia sẻ nhiều quan điểm chung. Thế nhưng, chính sách đối ngoại của nước Mỹ đã có những điều chỉnh chiến lược quan trọng dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Vẫn nhất quán với đường lối xuyên suốt để nước Mỹ hùng mạnh trở lại, tuy nhiên chính quyền Joe Biden đảo chiều nhiều chính sách đối ngoại, trong đó coi trọng những hợp tác quốc tế, nhất là với các đồng minh chiến lược trên thế giới. Tân chính quyền Mỹ nhất quán chủ trương kiềm chế sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, nhưng muốn phối hợp các nỗ lực quốc tế, hợp tác với các đồng minh thay vì áp đặt các biện pháp đơn phương. Trong khi đó, Trung Quốc sau nhiều năm phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đã ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của EU. Những va chạm, tranh chấp giữa EU cũng như các quốc gia thành viên liên minh với Trung Quốc ngày gay gắt, nghiêm trọng hơn.

Với sự điều chỉnh chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ và châu Âu đã xích lại gần nhau hơn, chia sẻ quan điểm và lợi chung trong trong nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng. Trong bối cảnh đó, đòn trừng phạt mang tính biểu tượng mà EU lần đầu tiên tung ra vào Trung Quốc sau hơn 3 thập kỷ được giới phân tích quốc tế hết sức quan tâm, lý giải về một chính sách được cho cứng rắn hơn của liên minh này với Trung Quốc.

Tất nhiên, EU và Trung Quốc hiện vẫn tìm thấy những lợi ích to lớn và phần nào cả sự phụ thuộc vào nhau trong mối quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh kinh tế-thương mại. Song sự trỗi dậy hung hăng cùng tham vọng toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc khiến các cường quốc toàn cầu như Mỹ hay trung tâm chính trị-kinh tế lớn như châu Âu không thể không có đối sách, ứng phó để răn đe, kiềm chế nếu không muốn tham vọng này dần hiện thực hóa, đe dọa lợi ích cốt lõi, lợi ích chiến lược của họ trên toàn cầu.