Thông điệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh không kích các nhóm dân quân thân Iran trên lãnh thổ Syria. Thông điệp nào với Iran mà chủ nhân mới của Nhà Trắng muốn phát đi sau hành động cứng rắn này?
Các máy bay F-15 của Mỹ đã tiến hành không kích các mục tiêu vào Syria

Các máy bay F-15 của Mỹ đã tiến hành không kích các mục tiêu vào Syria

Hành động quân sự đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Joe Biden

Cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 18h ngày 25-2 (giờ địa phương) sau khi lệnh tấn công được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn. Phát biểu với các nhà báo đang tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin tại California, ông John Kirby, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết các cuộc không kích do Tổng thống Joe Biden chỉ đạo nhằm đáp trả những vụ tấn công gần đây xảy ra với quân đội Mỹ tại Iraq, cũng như để ngăn chặn các nguy cơ an ninh đang đe dọa quân nhân Mỹ và quân nhân của liên minh do Mỹ chỉ huy tại đó.

Theo các quan chức Mỹ giấu tên, cuộc tấn công do các máy bay tiêm kích F-15 thực hiện. Nhiều khả năng đây là phi đội chiến đấu cơ đa năng F-15E đang đồn trú tại Jordan, thường được Mỹ huy động cho các đòn tấn công trả đũa quy mô nhỏ tại Trung Đông trong những năm gần đây. Mục tiêu không kích nằm trên lãnh thổ Syria thuộc khu vực biên giới giữa nước này và Iraq.

Đây là nơi mà các tay súng thân Iran coi là cửa ngõ chủ yếu để xâm nhập vào Iraq. Các quan chức Mỹ nêu trên còn cho biết vụ không kích đã phá hủy các cơ sở hạ tầng như trung tâm chỉ huy và nhà kho hậu cần của nhóm dân quân Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada được Iran hậu thuẫn. Còn theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, 17 chiến binh của các nhóm dân quân thân Iran đã thiệt mạng trong vụ không kích trên.

Đây là động thái trả đũa đầu tiên của Washington sau hàng loạt cuộc tấn công bằng rocket mới đây nhằm vào các cơ sở ngoại giao và quân sự Mỹ tại Iraq. Tối 15-2, khoảng một chục quả rocket đã được bắn vào Sân bay quốc tế Erbil ở Kurdistan, nơi đóng quân của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, đồng thời là cơ sở quan trọng với các hoạt động của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Một nhà thầu dân sự thiệt mạng và 5 người khác bị thương, trong đó có một lính Mỹ. Tiếp đó, ngày 22-2, Vùng Xanh ở Thủ đô Baghdad của Iraq, nơi đặt Đại sứ quán Mỹ, cũng bị tấn công bằng rocket.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, các cơ sở và lực lượng Mỹ tại Iraq cũng từng nhiều lần bị tập kích bằng rocket. Ngay từ khi đó, Washington đã đổ lỗi cho Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công này bởi các rocket được sử dụng là “do Iran sản xuất” và “do Iran cung cấp”. Ông Donald Trump đã đặt ra lằn ranh đỏ để can thiệp quân sự là khi có người Mỹ thiệt mạng.

Sau vụ nhóm dân quân Kataib Hezbollah thân Iran bắn rocket vào căn cứ quân sự chung của Mỹ và Iraq tại tỉnh Kirkuk, phía bắc Iraq, khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng, máy bay không người lái của Mỹ đã bắn tên lửa giết chết Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cùng Abu Mahdi al-Muhandis, Phó tư lệnh nhóm dân quân Lực lượng tổng động viên Iraq (PMU) thân Iran, bên ngoài sân bay quốc tế ở Thủ đô Baghdad, Iraq. Hành động cứng rắn của ông Donald Trump đã đặt quan hệ Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh.

Dằn mặt chứ không đảo ngược chủ trương đối thoại

Lên nắm quyền với định hướng đối ngoại được cho là sẽ đảo ngược nhiều chính sách dưới thời của ông Donald Trump, ông Joe Biden tuyên bố sẽ để ngỏ khả năng Mỹ quay lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Thỏa thuận này đã bị ông Donald Trump đơn phương rút bỏ năm 2018, kèm theo việc Mỹ tăng cường các biện pháp cấm vận về kinh tế với Iran.

Chính vì thế, quyết định tấn công vào lực lượng dân quân thân Iran của ông Joe Biden khiến người ta đặt câu hỏi về chính sách của Mỹ với Iran trong tương lai sẽ như thế nào. Phải chăng những hành động khiêu khích ngấm ngầm của Iran thông qua bàn tay của các nhóm dân quân ủy nhiệm đã khiến ông Joe Biden thay đổi quan điểm và quyết định quay trở lại các biện pháp cứng rắn với Iran như dưới thời ông Donald Trump?

Tuy nhiên, những thông tin phát đi từ Washington cho thấy chưa thể khẳng định điều đó. Trước hết, đòn trả đũa của Mỹ dù cứng rắn nhưng chưa nhằm trực tiếp vào Iran như vụ tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), theo lệnh của ông Donald Trump. Các quan chức Mỹ cho biết nhiều phương án tấn công đã được trình bày nhưng ông Joe Biden chỉ chọn một trong những đòn đáp trả hạn chế nhất. Thêm vào đó, mục tiêu trả đũa lại nằm rất xa, trên biên giới Syria - Iraq và không thuộc lãnh thổ Iraq nhằm tránh gây ra vấn đề cho Chính phủ Iraq, đối tác quan trọng của Mỹ trong nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Mặc dù khẳng định cuộc tấn công gửi đi một thông điệp rõ ràng “Tổng thống Joe Biden sẽ hành động để bảo vệ nước Mỹ và các quân nhân của liên minh”, nhưng Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cũng nêu rõ: “Đòn trả đũa lần này của Mỹ chỉ nhằm trừng phạt những kẻ đã gây ra cuộc tấn công bằng rocket, không có ý làm gia tăng căng thẳng với Iran”. Còn Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul, thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng: “Đòn đáp trả giống như vậy là sự răn đe cần thiết và nhắc nhở Iran, các lực lượng ủy nhiệm của họ và các đối thủ của chúng ta trên thế giới rằng các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ sẽ không được tha thứ”.

Như vậy, có thể thấy ông Joe Biden sẽ tiếp tục định hướng mà ông đã nhiều lần đề cập. Theo đó, phương thức hiệu quả nhất nhằm đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu được vũ khí hạt nhân là thông qua con đường ngoại giao. Mới ngày 19-2 vừa rồi, ông Joe Biden còn tuyên bố Washington sẵn sàng cứu vãn thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ gần 3 năm trước. Tuy nhiên, ông Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran cho đến khi nước này tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quan hệ Mỹ - Iran còn căng thẳng những chưa đến mức bế tắc.