Thời báo New York: “Sư tử” Trung Quốc đang đe dọa hòa bình ở Biển Đông

ANTĐ - Tờ New York Times (Mỹ) đã mô tả Trung Quốc như một con sư tử dùng sức mạnh để “vồ” mục tiêu ở Biển Đông.

Bài xã luận đăng trên phiên bản điện tử của New York Times

Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc ở một vài khía cạnh đã tạo ra nhiều bất ổn và nguy hiểm cho các nước láng giềng khi nước này mở chiến dịch kiểm soát Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế. Hôm 18-6, trong một cuộc họp cấp cao tại Hà Nội, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã khăng khăng lập trường rằng giàn khoan họ hạ đặt hồi đầu tháng 5 là trên vùng biển của họ (thực tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam).

Đây là thời điểm quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống điểm thấp nhất kể từ sau chiến tranh biên giới năm 1979. Điều này cũng làm cho Washington và nhiều nước khác thêm lo lắng về việc Bắc Kinh tiếp tục bắt nạt không chỉ Việt Nam mà các quốc gia nhỏ hơn khác ở châu Á cũng tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển giàu năng lượng.

Ngoài việc đặt giàn khoan, Trung Quốc còn nỗ lực khẳng định chủ quyền đối với nhiều đảo đá nhỏ nằm rải rác trên Biển Đông hiện nay, trong đó có bước ngoặt mới: cải tạo các rạn san hô và bãi cát ngầm thành đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Việt Nam, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đã coi việc xây dựng này là tín hiệu báo động ngày càng gia tăng, nhưng bất chấp phản đối của các nước trong khu vực, cùng với tuyên bố mạnh mẽ hồi tháng trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên án “hành động đơn phương, gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đang thể hiện họ không có ý định thay đổi.

Một số đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa không có người ở và bản thân không có giá trị kinh tế nhưng nó bao phủ ngư trường giàu tài nguyên và được cho là chứa trữ lượng dầu khí lớn. Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý cho mỗi hòn đảo trong số 3 hoặc 4 hòn đảo mà nước này định tạo ra. Các hòn đảo mới cũng sẽ củng cố thêm tiềm lực quân sự của Trung Quốc khi trở thành các căn cứ phục vụ giám sát và tiếp tế.

Trung Quốc luôn miệng cho rằng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác thuộc về Trung Quốc, nhưng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực này. Năm 2002, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ “mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Dầu vậy, cùng với hành động ngang nhiên của mình, Trung Quốc cũng lập luận rằng Việt Nam và Philippines đã phát triển một số cơ sở ở các đảo dù không nới thêm diện tích.

Trong mọi trường hợp, vấn đề thực sự không phải là tranh chấp chồng chéo về chủ quyền mà là dường như Trung Quốc tin rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế cho phép họ có lập trường chủ nghĩa tối đa trong tranh chấp lãnh thổ. Chắc chắn các quốc gia nhỏ hơn tiếp giáp Biển Đông không “đấu” lại được với Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh, nhưng nỗi tức giận của các nước láng giềng trước các hành động hung hăng của Trung Quốc cùng căng thẳng gia tăng với Washington dường như khó có thể có lợi cho Bắc Kinh, cũng khó giữ được hình ảnh của một Trung Quốc mà như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng vẽ ra trong một tuyên bố tại Paris hồi tháng 3-2014 rằng “con sư tử Trung Quốc đã được đánh thức, nhưng nó là một con sư tử hòa bình, hòa nhã, văn minh”.

Đó hiển nhiên không phải là con sư tử đang gầm lên trên Biển Đông hiện nay, đe dọa sự ổn định và an ninh cho tất cả các nước, mà trên hết là Trung Quốc. Tất cả điều đó thêm lý do để Bắc Kinh nhìn lại Tuyên bố DOC năm 2002 mà tự kiềm chế trong các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp hiện có và đe dọa hòa bình khu vực.

LTS:  Sau khi  Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì khăng khăng lập trường phi lý và ngang ngược về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong chuyến làm việc tại Việt Nam, tờ New York Times (Mỹ) đã có bài xã luận cảnh báo về lập trường đáng lo ngại này. Mô tả Trung Quốc như một con sư tử đang gầm lên trên Biển Đông, dùng sức mạnh để “vồ” mục tiêu, Ban Biên tập của tờ báo danh tiếng này đã kêu gọi Bắc Kinh nên nhìn lại Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002 mà tự kiềm chế các hoạt động gây phức tạp thêm tranh chấp hiện có và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.