Thoát cơn ác mộng

ANTĐ - Với cán cân thu chi ngân sách liên bang tài khóa 2014 (kết thúc vào ngày 30-9 tới) giảm dưới mức 600 tỷ USD, cuối cùng nước Mỹ cũng đã có cơ hội thoát khỏi cơn ác mộng thâm hụt ngân sách. 

Biểu tình phản đối tình trạng thâm hụt ngân sách trước Quốc hội Mỹ

Theo báo cáo đánh giá tài chính giữa năm của Nhà Trắng, công bố ngày 12-7, dự kiến mức chênh lệch cán cân thu chi ngân sách liên bang của Mỹ tài khóa 2014 sẽ ở mức 583 tỷ USD, giảm khoảng 100 tỷ USD so với mức thâm hụt hơn 680 tỷ USD tài khóa 2013. Mức thâm hụt ngân sách 2014 chiếm 3,4% Tổng thu nhập quốc nội (GDP) so với 3,7% của tài khóa 2013 và dự kiến đến tài khóa sau sẽ giảm xuống mức 3% GDP. 

Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua, thâm hụt ngân sách liên bang giảm xuống dưới mức 600 tỷ USD. Cơn lốc đại suy thoái bùng lên năm 2008 đã nhanh chóng đẩy cán cân thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ vọt lên mức báo động 1.415 tỷ USD vào năm 2009. Tình hình các năm sau cũng luôn ảm đạm với con số thâm hụt ngân sách ở mức 1.295 tỷ USD vào năm 2010, 1.297 tỷ vào năm 2011 và 1.090 tỷ USD vào năm 2012.

Với mức thâm hụt lớn như vậy, trong hơn 5 năm ông B. Obama cầm quyền, khoản nợ quốc gia của Mỹ đã tăng khoảng 7.000 tỷ USD, từ 10.627 tỷ USD năm 2009 lên mức hiện nay là 17.600 tỷ USD. Mất cân đối thu chi ngân sách đã trở thành ngòi nổ cho cuộc đấu trên chính trường nước Mỹ. Trong khi đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền của ông B. Obama không đề ra được những biện pháp cắt giảm chi tiêu công hợp lý, thì phe Dân chủ chỉ trích đảng Cộng hòa chỉ nhằm cắt giảm thật nhiều các chương trình chi tiêu quan trọng của chính phủ và lờ đi việc tăng thuế đối với tầng lớp giàu có.

Nhưng thâm hụt ngân sách của Mỹ có xu hướng giảm dần cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu khởi sắc. Với khoảng 10 triệu việc làm đã được tạo ra trong 5 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng Sáu vừa qua chỉ còn ở mức 6,1% so với trên dưới 10% trong những năm trước. Dù quý I vừa qua, GDP của Mỹ giảm 2,9% do bị tác động mạnh của thời tiết mùa Đông khắc nghiệt nhưng dự báo mới nhất cho biết tốc độ tăng GDP của Mỹ trong cả năm 2014 vẫn ở mức khá ấn tượng 2,6%.

Đây là điểm cộng với ông   B. Obama, người vừa khẳng định trên truyền hình rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay tốt hơn nhiều so với cách đây 5 năm. Theo ông B. Obama, các chương trình hành động để hỗ trợ tầng lớp trung lưu, lực lượng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế và xã hội Mỹ, trong đó có việc ký sắc lệnh hành chính nâng mức lương tối thiểu cho người lao động lên 10,10 USD/giờ, tạo thêm được nhiều việc làm và hỗ trợ sinh viên trả nợ đã đem lại kết quả tích cực trên. 

Có điều điểm cộng đó vẫn chưa giúp ông B. Obama thoát khỏi các đòn tấn công của phe đối lập. Đảng Cộng hòa cho rằng các chính sách mà chính quyền B. Obama đã và đang theo đuổi không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, dẫn tới hậu quả là tầng lớp trung lưu ở Mỹ giờ đây không còn là những người giàu có nhất thế giới.