Thỏa ước sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh

ANTĐ - Ngay sau tuyên bố của Bộ Công Thương về việc sẽ kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần khơi thông thị trường nội địa, hôm nay (9-10) sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn, Tổng công ty, các công ty trực thuộc Bộ Công Thương.

Thỏa ước sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh   ảnh 1
Hàng Việt Nam có mặt ở tất cả các ngành hàng
Nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm Bộ Công Thương cho biết, để khơi thông thị trường nội địa và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nội địa, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hàng hóa của nhau. Điển hình như Tổng công ty Thép Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tăng cường sử dụng hàng hóa, vật tư, nhiên liệu trong nước, cải tiến lò nung chuyển từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng sản xuất trong nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng chủ trương sử dụng 100% xăng, dầu diesel, xi măng, phụ kiện tà vẹt hàng nội. Ngành cơ khí liên kết chế tạo thiết bị phụ tùng cho doanh nghiệp ngành giấy… Chi phí được tiết giảm, thời gian có hàng hóa được rút ngắn chính là hiệu quả lớn nhất của việc sử dụng hàng hóa, vật tư trong nước.  Theo gợi ý của ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì tiềm năng của các doanh nghiệp còn rất nhiều. Ví dụ như Tập đoàn Dệt may có thể cung ứng quần áo, trang phục bảo hộ lao động cho ngành than, điện lực, hóa chất… Từ đó, doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động.  Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền công nghiệp của Việt Nam đã khá hoàn chỉnh với cơ cấu ngành tương đối đầy đủ. Từ việc đóng được những con tàu lớn đến công nghiệp dệt vải để sản xuất ra quần áo, trang phục. Mặc dù nguồn nguyên vật liệu còn thiếu, máy móc, công nghệ lạc hậu nhưng những yếu tố hạ tầng căn bản đã có. Nếu khai thác tốt năng lực sản xuất của từng ngành, từng doanh nghiệp, thì nhiều vật tư, hàng hóa trong nước có thể đáp ứng được. Nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất có thể được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm. Ngược lại, nếu ỷ lại, quay lưng với hạ tầng nghèo nàn, phụ thuộc vào nhập khẩu thì máy móc, thiết bị sẽ không có cơ hội đổi mới. Nói cách khác, sự lạc hậu sẽ còn kéo dài. Thỏa thuận nhưng phải cạnh tranh
Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Quyền cho rằng, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, hàng hóa đưa vào danh mục trao đổi giữa các doanh nghiệp phải có tính cạnh tranh, chứ không phải tổ chức ký kết để ép doanh nghiệp buộc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau. Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Không được triệt tiêu cạnh tranh vì nếu không có cạnh tranh, thỏa thuận này chỉ mang tính nhất thời, hình thức và sẽ không bền vững”. Tiêu chí hàng đầu để đảm bảo tính cạnh tranh chính là phải khắc phục hạn chế lớn của doanh nghiệp Việt Nam tồn tại lâu nay là thiếu công khai, minh bạch các nguồn hàng, giá cả hàng hóa… Mặt khác, cạnh tranh còn để tránh xu hướng cục bộ địa phương trong tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như một tập đoàn phát động phong trào các công ty trực thuộc dùng sản phẩm của nhau, vẫn là sản xuất và tiêu dùng hàng nội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhưng trên thực tế, phong trào này có thể là sự áp đặt dùng hàng hóa của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác một cách không phù hợp, hoặc doanh nghiệp ít cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, phát triển. Tương tự, một địa phương cũng nên mở rộng liên kết sản xuất, phân phối với các vùng miền thay vì cứng nhắc chỉ dùng hàng của địa phương sản xuất.  Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng hóa tồn kho nhiều, việc ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa lớn, góp phần tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết nối bước đầu trong khuôn khổ có hạn của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương. Còn nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cũng cần tham gia chương trình một cách tự nguyện. Và có mở rộng được phong trào này hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực sự của những thỏa thuận đầu tiên này.