Thờ ơ với mạng sống của chính mình

ANTĐ - Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, trong đó quy định người tham gia giao thông đường thủy bắt buộc phải mặc áo phao. Vậy nhưng, với suy nghĩ chủ quan của người dân, cùng với đó chủ đò cũng không có thói quen bắt buộc người đi đò thực hiện nghiêm túc việc mặc áo phao… đã dẫn đến việc cả người dân và chủ đò đều thờ ơ với mạng sống của chính mình.

Đánh cược tính mạng với đò ngang

Vụ chìm đò trên sông Hồng, khu vực xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, Thái Bình vào ngày 4-6, khiến 4 người chết một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người tham gia giao thông đường thủy không mặc áo phao. 

Ghi nhận tại những bến đò ngang có mật độ, lưu lượng qua lại lớn như bến đò Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai nối với bờ bên kia là Kim Lan, Gia Lâm và bến đò Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội nối với huyện Văn Giang, Hưng Yên, có thể thấy đò nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn nhiều. Khác với trước ngày 1-7-2016, giờ đây những chuyến đò ngang đã trang bị áo phao rất đầy đủ, tuy nhiên những chiếc áo phao cũng chỉ vắt trên thành đò để… trang trí.

Khách đi đò, chủ đò, không một ai đoái hoài tới những chiếc áo cứu sinh cho chính mình. Chị Phan Quỳnh Hoa, trú tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang cho biết: “Hàng ngày tôi vẫn thường đi đò từ nhà sang xã Vạn Phúc, Thanh Trì lấy hàng nhưng không thấy ai nhắc nhở việc phải mặc áo phao và chủ đò cũng không đưa cho tôi mặc”.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm, khách đi đò trú tại huyện Thường Tín thì thờ ơ nói: “Sóng to gió lớn gì mà phải mặc áo phao cho nó bận người ra, đi ù tí 15 phút là cập bến rồi, lo gì”. Tương tự, nhiều người đi đò và chủ đò tại bến Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai cũng rất coi thường mạng sống của chính mình. Họ chỉ mặc áo phao khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra. 

Trong khi đó, con nước sông Hồng đoạn bến Kim Lan hay đoạn Vạn Phúc nước sâu hàng chục mét và luôn chảy xiết với khoảng cách đôi bờ rộng mênh mông. Nhiều hôm đò bị đẩy trôi dạt xuống mạn dưới mãi mới ngược dòng lên được.

Nguy hiểm hơn, đò thì chạy ngang, còn những đoàn xà lan chở cát, sỏi nặng hàng trăm tấn tấp nập xuôi ngược. Có những lúc người trên bờ nhìn thấy cảnh đò chở người và xà lan “cắt kéo” giữa dòng nước xiết mà thót tim. Đó là những nguy hiểm rình rập thường ngày trên những con đò ngang, mặc dù vậy, người đi đò và chủ đò vẫn rất chủ quan.

Nhiều người lo ngại, tai nạn chìm đò phần lớn đều gây thiệt hại về người và tài sản, trong khi tai nạn thì bất thình lình, không ai có thể lường trước được. Chính vì vậy, người tham gia giao thông đường thủy nên mặc áo phao, nếu không may xảy ra tai nạn thì áo phao chính là “nguồn sống” giúp người gặp nạn.

Xử lý nghiêm phương tiện đường thủy vi phạm

Ngay khi quy định về việc người tham gia giao thông đường thủy bắt buộc phải mặc áo phao, lực lượng chức năng Hà Nội đã khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra, đồng thời cấp phát hàng nghìn áo phao cứu sinh cho các tàu thuyền tại các bến thủy nội địa. 

Như thường lệ, trước mùa mưa bão, việc kiểm tra an toàn đường thủy nội địa đã được lực lượng công an, thanh tra giao thông, CSGT đường thủy thực hiện nghiêm túc. Trong công văn gửi các đơn vị có liên quan, ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra cùng với địa phương có bến thủy nội địa trên toàn thành phố lần lượt kiểm tra, xử lý, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết: “Trong tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra an toàn giao thông đường thủy trước mùa mưa bão theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải. Các chủ đò đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc mặc áo phao cũng như yêu cầu khách đi đò phải mặc áo phao”.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Giao thông đường thủy nội địa cho biết: “Với những trường hợp vi phạm quy định không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy cần phải xử lý nghiêm. Để đảm bảo an toàn, việc đầu tiên cần quy trách nhiệm không chỉ với đơn vị quản lý địa bàn nơi có bến đò mà còn quy trách nhiệm, xử lý nghiêm, thậm chí buộc ngừng hoạt động nếu như chủ phương tiện không chấp hành”. 

Bài học nhãn tiền

Trở lại vụ chìm đò tại bến đò sông Gianh tỉnh Quảng Bình vào cuối năm 2009, làm 42 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng là do chủ đò đã không chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, chở quá số người cho phép, trong khi thời tiết trên sông Gianh đang xấu. Bên cạnh đó, ý thức về an toàn đường thủy của người dân còn thấp. Mặc dù đò đã chật cứng nhưng hành khách vẫn chen lấn, tranh nhau lên xuống khi đò chưa cập bến. 

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có tổng số gần 100 bến thủy nội địa và bến đò ngang. Trong số đó, chỉ tính riêng lưu lượng hoạt động tại bến đò Vạn Phúc, mỗi ngày có hàng chục chuyến đò qua lại trước mũi những xà lan chở hàng lớn ngược xuôi trong mùa lũ, liệu ai dám khẳng định sẽ an toàn? 

Những bến đò ngang trên sông Hồng, sông Đuống tiềm ẩn rủi ro lớn bao nhiêu thì những nhà nổi trên hồ Tây cũng mất an toàn chẳng kém. Bởi nơi đây luôn tập trung lượng người rất đông, kể cả những ngày mưa giông, nếu khách có nhu cầu là nhà nổi sẵn sàng di chuyển ra giữa hồ. Nhiều du khách cho biết, chẳng lẽ đi liên hoan, lên nhà nổi hóng mát cũng phải mặc áo phao. Nhưng thật khó ai biết trước điều gì sẽ xảy ra, khi một buổi hóng mát tương tự đã làm 16 người tổ chức sinh nhật bị thiệt mạng trên chiếc tàu 2 tầng dạng nhà nổi của khu du lịch Dìn Ký tỉnh Bình Dương vào một tối cuối tháng 5-2011. 

Chứng kiến những con đò, phà đang ì ạch sang sông tại bến Vạn Phúc, Thanh Trì hay bến Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai nhiều người thấy ái ngại. Những chiếc máy cũ kỹ, những mạn đò sắt đã hoạt động trên 10 năm nhưng chủ nhân thì chỉ miệt mài với việc sao cho chở được nhiều khách, còn việc bảo dưỡng, bảo trì chẳng mấy bận tâm. Và nếu khâu này không được kiểm soát chặt chẽ, nó cũng sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra biến cố, nguy hiểm khôn lường khi đò chở khách đang ở giữa dòng sông.