An toàn đường thủy đang bị xem nhẹ

ANTĐ - Tai nạn giao thông đường thủy diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, dù không gây thiệt hại về người nhưng để lại hậu quả về kinh tế, xã hội vô cùng lớn. Trong đó, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gần đây đều liên quan tới tàu thủy, tàu kéo hết hạn đăng kiểm và tài công phớt lờ cảnh báo. 

An toàn đường thủy đang bị xem nhẹ ảnh 1

Cầu Đuống quá thấp, mất an toàn cho tàu thuyền lưu thông

Phương tiện hết hạn đăng kiểm vẫn lưu thông

Tối 6-3, tàu Thành Luân 28 tải trọng 3.145 tấn đã đi vào sông Kinh Môn, một nhánh sông cấp 3 trong khi tàu Thành Luân là tàu tải trọng lớn, tàu sông pha biển không được đi vào. Hậu quả tàu đã đâm hỏng cầu An Thái, bắc qua sông Kinh Môn. Mặc dù vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây hậu quả nặng nề cho người dân trên địa bàn huyện Kinh Môn trong lưu thông.

Cầu An Thái là cây cầu huyết mạch duy nhất, nối huyện Kinh Môn với QL5, từ khi cây cầu bị đâm hư hỏng, toàn bộ xe khách từ 16 chỗ trở lên và xe tải phải thay đổi hướng di chuyển theo lối Phà Mây, thêm 20-40km. Ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho hay, tổng thiệt hại ước tính đến thời điểm này khoảng 10 tỷ đồng, trong đó chi phí sửa chữa cầu mất khoảng 4 tỷ đồng, trạm thu phí tỉnh lộ 388 thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. “Về nguyên tắc, ai gây ra hậu quả người đó phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Đình Long nhấn mạnh.

Mới đây, ngày 20-3, tàu kéo sà lan đã đâm sập cầu Ghềnh. Mặc dù, vụ tai nạn đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho ngành đường sắt. Cầu Ghềnh là cây cầu huyết mạch, nối tuyến đường sắt Bắc - Nam, cầu bị sập, đường sắt tê liệt. Trong khi đó, phương án khắc phục cầu Ghềnh không thể trong một sớm một chiều mà tính bằng tháng. 

Đáng nói, trong cả 2 vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng này, lỗi chủ quan đều do người điều khiển phương tiện. Tàu Thành Luân 28 đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 1-2016, thuyền trưởng có đủ bằng cấp nhưng lại phớt lờ cảnh báo an toàn. Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, xung quanh khu vực cầu đều có khoảng 20-21 loại biển báo hiệu về an toàn, về chiều cao tĩnh không, khoang thông thuyền… để cảnh báo cho lái tàu biết.

Tuy nhiên, lái tàu  Thành Luân 28 đã phớt lờ các cảnh báo này, cố tình vượt qua gầm cầu nên mới xảy ra sự cố. Còn trong vụ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh, thông tin ban đầu cho hay, lái tàu có bằng hạng 2, đủ điều kiện điều khiển tàu kéo sà lan 900 tấn. Song, sà lan còn hạn kiểm định đến giữa năm 2016 nhưng tàu kéo đã hết hạn đăng kiểm.

Tàu, phương tiện thủy hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu thông, theo ông Trần Văn Thọ, trách nhiệm thuộc về các cơ quan liên quan như đăng kiểm, chính quyền địa phương, lực lượng tuần tra, kiểm soát… 

Kiểm tra thường xuyên nhưng vẫn hổng

Liên quan đến công tác đào tạo thuyền viên lái tàu, ông Trần Văn Thọ thông tin, hiện cả nước có 38 cơ sở đào tạo, sát hạch và đã cấp khoảng 200.000 bằng lái, chứng chỉ chuyên môn cho các lái tàu.

Trả lời về việc công tác đào tạo, sát hạch lái tàu có đang bị bỏ hổng, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa nhìn nhận: “Không ít trường hợp có bằng lái tàu nhưng sau đó chuyển làm công việc khác, không liên quan đến lái tàu hoặc không hoạt động thường xuyên nên việc quản lý cũng rất khó khăn và tồn tại một số bất cập nhất định”.

Qua kiểm tra, Cục Đường thủy nội địa đã thu giữ bằng lái, chứng chỉ chuyên môn của một số thuyền viên. Dù khẳng định công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện cũng như các cơ sở đào tạo thuyền viên vẫn diễn ra, nhưng lãnh đạo Cục này cho rằng, vẫn còn tình trạng phương tiện thủy ra vào bến không báo cáo cảng vụ, tình trạng tàu xuất phát từ bến không phép, chở quá tải trọng, trong khi ý thức chấp hành luật của lái tàu còn kém đã dẫn đến những vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng trong thời gian qua.

Về tình trạng các bến thủy nội địa không phép vẫn tồn tại, ông Trần Văn Thọ thông tin, do hiện nay mới có quy hoạch các cảng, chưa có quy hoạch bến nên nhiều địa phương chưa cấp phép cho các bến. Bên cạnh đó, việc cấp phép các bến thủy nội địa hiện đã giao cho Sở GTVT các địa phương cấp phép, quản lý. 

Theo số liệu thống kê từ Cục Đường thủy nội địa, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 25 vụ TNGT đường thủy nội địa, làm chết 10 người, bị thương 1 người, chìm đắm 21 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 7 vụ, 6 người chết và giảm 1 người bị thương. “Mặc dù, số vụ TNGT đường thủy nội địa giảm nhưng lại xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt”, ông Trần Văn Thọ cho hay.

5 cầu thuộc diện phải nâng cấp gấp
Cục Đường thủy nội địa cho biết, cả nước hiện có 427 cầu, trong đó 127 cây cầu không đảm bảo yêu cầu cho tàu thuyền lưu thông. Trong số này có 64 cầu phải cải tạo, nâng cấp hoặc di dời, trong đó 5 cầu phải xử lý gấp gồm cầu Ghềnh, cầu Bình Lợi (TP.HCM), cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Chui (Hải Phòng).