- Ông Erdogan: Nếu Mỹ không dẫn độ Gulen, đó sẽ là một sai lầm lớn
- Mỹ tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nhiều tội ác man rợ được thực hiện
- Nga đã cảnh báo cho Thổ Nhĩ Kỳ vài giờ trước vụ đảo chính
Chiến dịch thanh trừng quy mô lớn đã được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bắt giữ những người dính líu tới cuộc đảo chính ngày 15-7
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20-7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng ở nước này. Phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Ankara sau khi chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh quốc gia kể từ sau vụ đảo chính bất thành ngày 15-7, ông Erdogan khẳng định tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm “nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến âm mưu đảo chính”.
Có thể nói, tình trạng khẩn cấp là nấc thang mới trong chiến dịch thanh trừng tất cả những người mà ông Erdogan cho rằng dính líu tới cuộc đảo chính mới đây. Sau cuộc đảo chính bất thành này, có những ý kiến cho rằng đảo chính thất bại bởi lên kế hoạch không kỹ và có những lực lượng trung thành với ông Erdogan, song cũng có không ít ý kiến cho rằng đó chính là “cái bẫy” mà ông Erdogan giương ra nhằm thanh trừng giới quân sự luôn âm thầm chống lại mình.
Lý do thực sự của cuộc đảo chính ngày 15-7 vừa qua có thể còn chìm lâu trong vòng bí ẩn nhưng có điều thấy rõ là Tổng thống Erdogan đang dùng cuộc đảo chính làm cái cớ để tiến hành hàng loạt cuộc bắt bớ. Đến nay đã có khoảng 60.000 người, từ quân nhân, cảnh sát, thẩm phán cho đến công chức và cả giáo viên đã bị đình chỉ, sa thải hoặc bắt giữ trong các chiến dịch truy quét “những đối tượng tình nghi tham gia đảo chính”.
Tâm điểm của chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính tất nhiên tập trung vào quân đội Thỗ Nhĩ Kỳ bất chấp lực lượng này khẳng định cuộc đảo chính do một nhóm “những kẻ phản bội” tiến hành còn phần lớn binh sĩ không liên quan. Tính đến ngày 20-7, chính quyền Tổng thống Erdogan đã chính thức buộc tội 99 trong khoảng 360 tướng lĩnh quân đội, những người bị cáo buộc liên quan tới vụ đảo chính.
Dù được xem là có công phát hiện sớm và cảnh báo cho ông Erdogan về cuộc đảo chính của quân đội song lực lượng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong tầm ngắm thanh lọc. Cơ quan tình báo quốc gia nước này đã đình chỉ công tác hơn 100 nhân viên do tình nghi những người này có liên quan đến vụ đảo chính.
Ngay lực lượng cảnh sát vốn tích cực chống lại lực lượng quân đội tiến hành đảo chính cũng bị ông Erdogan “sờ gáy”. Chính quyền Erdogan đã đình chỉ công tác 900 cảnh sát ở Thủ đô Ankara chỉ vì bị tình nghi có liên hệ với một phong trào Hồi giáo do giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong ở Mỹ và bị ông Erdogan cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính vừa qua.
Chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính kiểu “nhổ cỏ tận gốc” nhằm bài trừ mọi hậu họa thể hiện rõ nhất ở việc đình chỉ công tác tới 15.200 nhân viên trong ngành giáo dục để điều tra sự dính líu vào cuộc đảo chính. Quyết định khiến nhiều người khó hiểu này được cho cho xuất phát từ sự nghi ngờ nhiều nhân viên ngành giáo dục ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen.
Cuộc thanh trừng, trả thù “sát ván” sau cuộc đảo chính đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về tương lai bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 19-7 cũng phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra các hành động trả đũa từ phía những người ủng hộ đảo chính do lo sợ bị thanh trừng tàn khốc sau khi Tổng thống Erdogan đã đề nghị khôi phục hình phạt tử hình nhằm trừng phạt những kẻ gây ra cuộc đảo chính.