Thiếu “nhạc trưởng” điều phối, tiêu thụ nông sản khó thoát cảnh manh mún, tự phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho rằng, việc các HTX thiếu liên kết trong tiêu thụ nông sản dẫn đến tình trạng thiếu “nhạc trưởng” để điều phối. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam phập phù cả về thị trường tiêu thụ và giá cả. 
Liên kết vùng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và giá trị cho nông sản

Liên kết vùng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và giá trị cho nông sản

Sáng nay (26-10), Tạp chí Kinh doanh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng- tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Theo thống kê mới nhất, khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện thu hút khoảng 7 triệu thành viên tham gia. Các HTX đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Do đó, vai trò liên kết vùng của HTX rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, trên cả nước còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp. Một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô nhỏ, chủ yếu là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu chưa đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả kinh tế không cao.

“Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào liên kết hợp tác với nhau nhưng lại quay ra tổ chức các hoạt động riêng, “một mình một mâm”- ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, đang có sự chồng chéo trong sản xuất sản phẩm, thể hiện ở việc cùng 1 loại quả nhưng có nhiều địa phương cùng trồng ồ ạt.

“Chẳng hạn như trước đây tỉnh Bắc Giang chỉ có vải thiều thì bây giờ tỉnh này đã có thêm nhiều vùng trồng vú sữa. Hiện chưa thể đánh giá việc trồng cùng 1 loại quả ở nhiều địa phương là tốt hay không tốt, nhưng cho thấy có sự chồng lấn. Thực tế này đòi hỏi cần hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, đẩy mạnh liên kết vùng để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo quyền lợi trước hết là của bà con nông dân”- ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lại dẫn chứng, năm 2017, mặt hàng thịt lợn giảm giá mạnh, nhưng đến năm 2020 thì giá lại tăng cao, thị trường có lúc thiếu thịt lợn. Đây là biểu hiện của việc mất cân đối cung cầu. Đáng chú ý, theo ông Hoàng Anh Tuấn, tình trạng này diễn ra khá phổ biến với nhiều loại nông sản.

“Việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thế nên tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản có thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.

Hệ thống phân phối nông sản tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch; gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương, rõ nhất là gần đây thị trường ngưng trệ do dịch Covid-19”- ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Để hạn chế rủi ro nêu trên và tăng giá trị nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, đã đến lúc các vùng, miền cũng như doanh nghiệp, HTX cần ngồi lại lần nữa dưới sự điều phối của một “nhạc trưởng”.

“Thành phần liên kết phải “có trên có dưới” thì mới đưa ra được chương trình cụ thể, liên kết mà mọi nhà đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm”- đại diện Liên minh HTX Việt Nam nêu quan điểm.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, mặc dù ngày càng có thêm nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu được theo đường chính ngạch nhưng quan trọng hơn là làm sao để phát triển bền vững với các loại nông sản.

“Nhu cầu thị trường luôn biến động, chúng ta không theo kịp sẽ bị tụt hậu. Nhu cầu thế giới đang chuyển dịch từ an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng, tăng sử dụng sản phẩm an toàn có nguồn gốc thực vật, giảm sử dụng sản phẩm có nguồn gốc động vật. Xu hướng giới trẻ cũng thích các sản phẩm hữu cơ nhanh gọn… Vì thế nên việc đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kết nối tiêu thụ được sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX là rất cần thiết”- ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).