Thiếu nghiêm trọng vật liệu thi công, lo ngại cao tốc Bắc- Nam chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ dự án đối với 2 loại mỏ: đất đắp và cát xây dựng cho 10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ TN-MT về những khó khăn vướng mắc trong khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2021-2025.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là 17,37 triệu m3 đá; 9,04 triệu m3 cát; 45,56 triệu m3 đất đắp.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng nhu cầu cát đắp của 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau khoảng 18,07 triệu m3.

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khẩn trương tổ chức lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Dù các dự án thành phần đang thi công đồng loạt, nhưng công tác thi công nền đường hầu như chưa được triển khai, do các nhà thầu chưa được giao mỏ vật liệu vì vướng mắc nhiều thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo hướng dẫn của Bộ TN-MT tại Thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc hạng mục của dự án.

10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam thiếu nghiêm trọng vật liệu thi công

10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam thiếu nghiêm trọng vật liệu thi công

Tuy nhiên, quá trình rà soát trình tự, thủ tục triển khai, Bộ GTVT thấy rằng, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của dự án không phải là hạng mục của dự án, nên không thể thực hiện thu hồi đất như hướng dẫn của Bộ TN-MT.

Nếu chiểu theo Luật Đất đai, các mỏ vật liệu đều phải thực hiện thông qua hình thức chuyển quyền sử dụng đất, sau đó địa phương tổ chức thu hồi và cho nhà thầu thuê lại để khai thác.

Theo cơ chế này, giá chuyển nhượng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc thỏa thuận của người đang sử dụng đất với nhà thầu, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do đó Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác, dẫn đến thiếu vật liệu.

Để giải quyết vấn đề trên, tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu… đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, nhiều Sở, ban, ngành tại các địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ đất không hợp tác.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ dự án đối với 2 loại mỏ: đất đắp và cát xây dựng.

Các bước phải thực hiện từ thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xác nhận đăng ký khối lượng khai thác… nhằm đảm bảo tất cả các địa phương đều thực hiện thống nhất.

“Chúng tôi cũng mong sớm nhận được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để thực hiện các thủ tục về đất đai (giải phóng mặt bằng, nhượng quyền sử dụng đất; giá chuyển nhượng) đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; chế tài với trường hợp chủ sở hữu không phối hợp thực hiện”, Bộ GTVT cho hay.