Thị trường Trung thu năm nay: Thưa vắng đồ chơi Việt

ANTĐ - Đây là thực tế mà nhiều năm nay, các nhà sản xuất, các bậc phụ huynh luôn trăn trở, đặc biệt mỗi dịp Trung thu. Đồ chơi cho trẻ em của Việt Nam vẫn bị lép vế về số lượng, chủng loại so với đồ chơi nhập ngoại.

Thị trường Trung thu năm nay: Thưa vắng đồ chơi Việt ảnh 1
Khó tìm đồ chơi Việt trong các cửa hàng


Cơ hội cho đồ chơi Việt

Trước thông tin hàng trăm mẫu đồ chơi của Trung Quốc có nhiễm độc, gây hại cho sức khỏe của trẻ em, nhiều bậc phụ huynh lựa chọn đồ chơi Việt Nam cho con em mình. Tuy nhiên, theo chị Minh Thúy (phố Phan Đình Giót - Thanh Xuân), muốn tìm kiếm đồ chơi Việt Nam cho trẻ em rất khó, bởi “các cửa hàng lớn cũng bày bán phần lớn là hàng Trung Quốc, đồ chơi trẻ em Việt Nam tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy. Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, hàng Trung Quốc chiếm gần như 100%” - chị Thúy chia sẻ. Do đó, trong kho đồ chơi của các con chị Thúy, chỉ có một vài thứ là hàng Việt mang tính giáo dục như: bảng chữ cái, xếp hình... do Việt Nam sản xuất được chị Thúy mua trong các nhà sách. Giá các loại đồ chơi này khá cao. 

Gần đây, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện kinh phí để tất cả trẻ em được đón Tết Trung thu. Trong đó, Bộ này đề nghị các địa phương, các đoàn thể không tặng đồ chơi nhập khẩu cho trẻ em; khuyến khích trẻ em chơi các đồ chơi tự tạo, đồ chơi sản xuất trong nước. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em có thể thông qua các hình thức như: Thi cắm trại, thi làm đèn ông sao, thi các trò chơi dân gian… Đây là cơ hội “mở” cho đồ chơi nội?

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 cho rằng: “Thị phần của đồ chơi Việt Nam vẫn còn quá nhỏ. Các công ty đồ chơi Việt chưa có hệ thống cửa hàng và chiến lược cụ thể nên xâm nhập thị trường còn hạn chế so với đồ chơi nhập ngoại”. Theo ông Nghĩa, phần lớn đồ chơi Việt Nam được sản xuất dưới dạng thủ công, chưa phát triển thành một ngành công nghiệp đủ mạnh nên thị phần nhỏ, mẫu mã kém, không đa dạng và phong phú để đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của trẻ em. “Nếu khách hàng có cần đồ chơi Việt Nam với số lượng lớn, và thay đổi liên tục thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm nổi. Đây là một trong những yếu tố khiến đồ chơi nội vẫn tiếp cận chậm với thị trường trong nước. Một số loại đồ chơi trí tuệ, đồ chơi gỗ... đã được các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhưng giá lại cao hơn nhiều so với hàng nhập ngoại nên sức cạnh tranh kém” - ông Nghĩa phân tích. 

Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, đồ chơi cần đảm bảo sức khỏe, an toàn cho trẻ, hấp dẫn và không nhất thiết phải quá bền, bởi sở thích của trẻ em thay đổi rất nhanh chóng. Chất lượng bền kèm theo giá cao là một yếu tố cần thay đổi.

Đồ chơi ngoại chiếm hơn 90%

Sắc đỏ, sắc vàng rực rỡ của đồ chơi Trung thu cho trẻ em đã nhuốm màu nhiều con phố chuyên doanh mặt hàng này tại Hà Nội như: Hàng Mã, Lương Văn Can... và len lỏi vào nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trên các tuyến phố khác. Nhưng đâu đâu, người tiêu dùng cũng thấy vương miện, bộ cánh thiên thần, búp bê, bộ đồ nấu nướng, đồ chơi bác sĩ, bộ trống, siêu nhân, dao, kiếm... bằng nhựa dành cho trẻ em. Hàng hóa chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài. Giá tiền trung bình 40.000-50.000 đồng/sản phẩm, tăng thêm khoảng 15-20% so với năm ngoái. Dễ nhận thấy bằng mắt thường, các loại đồ chơi này không bền nhưng màu sắc rất sặc sỡ, bắt mắt và được trẻ em yêu thích. 

Trái ngược với sự sôi động này đồ chơi Việt lại khá vắng vẻ tại các cửa hàng. Quà Trung thu dân gian cho trẻ em vẫn quanh quẩn với đèn ông sao, đèn trời... không thay đổi về màu sắc, mẫu mã, kích thước. Đồ chơi mang tính trí tuệ của Việt Nam ít có mặt trong các cửa hàng bán buôn đồ chơi trên những con phố lớn, mà đây chính là nơi nhiều người tiêu dùng, nhiều cửa hàng bán lẻ tìm đến mua hàng nhất. 

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, đồ chơi ngoại hiện chiếm hơn 90% thị trường đồ chơi Việt Nam, trong đó rất nhiều loại không có nguồn gốc xuất xứ. Đợt cao điểm Trung thu này, các đội quản lý thị trường của Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra chuyên đề để phát hiện kịp thời vi phạm, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho đồ chơi Việt Nam.