Thị trường tài chính Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào sau “cú sập” Ngân hàng SVB?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tỷ giá lao dốc, trong khi giá vàng vọt tăng trong sáng đầu tuần, sau sự kiện 2 ngân hàng lớn tại Mỹ đồng loạt đóng cửa. Trong khi đó, thị trường chứng khoán phản ứng không quá mạnh với thông tin này.

Thị trường tài chính thế giới chao đảo

Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), sự việc Ngân hàng Thung lũng Silicon - Silicon Valley Bank (SVB) phá sản đã làm rúng động thị trường tài chính thế giới. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, Ngân hàng Signature (Signature Bank) cũng đã bị đóng cửa ngày sau đó, vào ngày 12/3. Động thái này được cho nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lây lan.

Trong thông báo chung về việc đóng cửa Signature, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang (Fed), và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết quyết định này nhằm ngăn sự lây lan khủng hoảng sau vụ sụp đổ của SVB.

Chính phủ Mỹ cũng đã thông báo một số biện pháp sớm vào ngày 13/3 để ngăn chặn sự các hậu quả tài chính lớn từ 2 vụ sụp đổ này. Theo đó, toàn bộ khách hàng của SVB và sẽ có thể tiếp cận với nguồn tiền gửi của mình bắt đầu từ ngày 13/3.

Giới chức Mỹ cũng trấn an rằng những người gửi tiền tại Signature Bank sẽ được bảo toàn tài sản.

Chứng khoán Mỹ đã hồi phục trong sáng nay sau thông tin này. Trong khi đó, đồng USD vẫn tiếp đà đi xuống. Hiện chỉ số chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt) dao động dưới ngưỡng 103,6 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức trên 105 điểm vào cuối tuần trước.

Ngược lại, giá vàng đột ngột tăng vọt nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn của mình. Theo cập nhật của Kitco, giá vàng đang dao động quanh 1.877 USD/ounce, trong khi cuối tuần trước, có lúc kim loại quý giảm về sát 1.810 USD/ounce.

Thị trường tài chính thế giới chao đảo sau sự kiện 2 ngân hàng Mỹ phá sản

Thị trường tài chính thế giới chao đảo sau sự kiện 2 ngân hàng Mỹ phá sản

Tỷ giá VND/USD giảm mạnh

Trong nước, tỷ giá USD cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh, dù tỷ giá trung tâm chỉ được Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ 1 đồng trong hôm nay.

Theo đó, Vietcombank điều chỉnh giảm 100 đồng mỗi USD ở cả chiều mua vào và bán ra. Theo đó giá mua vào USD tại ngân hàng này đang niêm yết mức 23.370 (tiền mặt) – 23.400 (chuyển khoản) VND/USD; giá bán ra mức 23.740 VND/USD.

Tương tự, VietinBank cũng giảm 76 đồng ở chiều mua vào, xuống còn 23.374 (tiền mặt) – 23.394 (chuyển khoản) VND/USD. Chiều bán ra được ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh 146 đồng mỗi USD, xuống còn 23.734 VND/USD.

Tại BIDV, tỷ giá đang được niêm yết mức 23.405 – 23.705 VND/USD, giảm mạnh 130 đồng mỗi USD ở cả 2 chiều mua vào – bán ra.

Mức giảm này cũng được Eximbank áp dụng, theo đó tỷ giá tại nhà băng này đang được niêm yết chiều mua vào 23.330 (tiền mặt) - 23.410 (chuyển khoản) VND/USD; chiều bán ra 23.710 VND/USD…

Dù các ngân hàng giảm mạnh, song tỷ giá trên thị trường tự do vẫn đang được giao dịch ở mức cao, quanh 23.750 – 23.820 (mua vào – bán ra). Mức giá này thậm chí còn tăng nhẹ 20 đồng so với cuối tuần trước.

Ngược lại, giá vàng hôm nay cũng quay đầu tăng theo đà tăng của vàng thế giới. Dù vậy, mức tăng đối với vàng trong nước hạn chế hơn, dao động quanh 150 – 300 nghìn đồng mỗi lượng tùy từng doanh nghiệp. Theo đó, vàng SJC hôm nay được giao dịch quanh 66,30 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán không ảnh hưởng quá tiêu cực như thị trường thế giới. Chỉ số VN-Index sau khi giảm trong phiên sáng thì có sự hồi phục về gần trưa và hiện giằng co quanh tham chiếu.

Việt Nam liệu có chịu nhiều tác động

Dù Bộ Tài chính Mỹ, Fed và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) khẳng định người đóng thuế sẽ không phải gánh các thiệt hại liên quan đến SVB, song nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại hiệu ứng domino sẽ xảy ra, thậm chí có tác động lan truyền xuyên biên giới.

Điều lo ngại cuối tuần trước là sự sụp đổ này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam – vốn đang trong giai đoạn rất nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ảnh hưởng này là không quá lớn.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho rằng Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết nào có mối quan hệ làm ăn kinh doanh với SVB nên tác động gần như là không có. Nếu có, thì chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư.

Theo ông, các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn. Còn việc quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhà đầu tư trái phiếu, cổ đông và khách hàng SVB như thế nào, có lan tỏa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không thì còn phải chờ thời gian.

Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng điều cần lưu tâm là sự kiện tại SVB có phải là hiện tượng cục bộ hay mang tính bất ổn hệ thống của ngành ngân hàng ở Mỹ?

“Tôi đã xem xét cẩn trọng và có thể thấy SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt trong suy thoái, chứ không phải bắt nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền”- ông Huy nhìn nhận.

Ở khía cạnh vĩ mô, theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới.

Đối với Việt Nam, bà Carolyn Turk cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải xử lý những những biến động, bởi Việt Nam cũng vấn đề liên quan đến thắt chặt tiền tệ, cũng như một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ.

"Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát khu vực tài chính, đảm bảo rằng các cơ quan quản lý nhà nước mà giám sát khu vực ngân hàng cần phải nắm diễn biến xảy ra, có dữ liệu, cũng như có khả năng hành động vào thời điểm phù hợp", bà Carolyn Turk khuyến nghị.