Thị trường hàng hóa Tết 2013: Sẽ không có biến động lớn về giá

ANTĐ - Chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý IV, 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Mặc dù dự báo những tháng cuối năm có nhiều yếu tố khách quan tác động đến mặt bằng giá, nhưng theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn sẽ có nhiều mặt hàng có giá cả ổn định đến cuối năm 2012. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên Tết 2013, sức mua có thể sẽ không bằng những Tết cách đây 2-3 năm.

Giá cả sẽ không biến động lớn

Bộ Tài chính vừa có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan trong ngành Tài chính, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013. Theo đó, các địa phương triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của chương trình; có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua... Đồng thời, các đơn vị Sở Tài chính, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra... tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ôtô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi... Bộ Tài chính lưu ý việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cho ý kiến trước khi thực hiện. 

Ở Hà Nội, nguồn cung cấp chủ yếu cho khu vực nội thành Hà Nội là từ các đại lý, mạng lưới của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, các đơn vị thành viên... và các hộ kinh doanh tại các chợ. Với mặt hàng thịt lợn, dự kiến tiêu dùng 12.000 tấn/tháng Tết, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của Hà Nội. Nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gây thiếu hàng cục bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam. Trong dịp Tết, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong khi khả năng tự đáp ứng của thành phố có hạn nên một số mặt hàng thiết yếu đã được lên kế hoạch nhập khẩu. Ví dụ, thịt gia cầm cần khai thác 38% từ các tỉnh khác; thủy hải sản phải nhập hơn 80%; thực phẩm chế biến nhập từ 70-85%; rau củ quả nhập 45% nhu cầu… 

Sức mua có thể thấp hơn năm ngoái

Thị trường hàng hóa Tết 2013: Sẽ không có biến động lớn về giá  ảnh 2

Về phía các doanh nghiệp, dù đã chuẩn bị lượng hàng cho dịp Tết tăng như thường lệ nhưng các DN cho biết họ chỉ mong sức mua dịp Tết năm nay bằng năm ngoái. Giá cả cũng sẽ không có biến động vì yếu tố quan trọng ở thời điểm này không phải là lợi nhuận mà là bán được hàng. Theo Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa DN chuẩn bị cho Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 10-12% so với Tết năm ngoái. Năm nay nguồn vốn dành cho hàng bình ổn là hơn 3.436 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn được chuẩn bị chiếm hơn 50% nhu cầu thị trường là dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến... 

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty Bibica, cũng cho biết dự kiến, sản lượng của Bibica Tết 2013 là 1.200 tấn bánh kẹo và chocolate các loại, tăng 15% so với năm ngoái. Dù đẩy mạnh sản xuất, ông Thiện tỏ ra dè dặt khi đánh giá sức tiêu thụ của mùa mua sắm cuối năm. Thông thường, sức mua năm sau tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng Tết năm nay khả năng chỉ tăng khoảng 5-10% sản lượng. 

Trên hệ thống Siêu thị Big C, số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa được tập trung trong mùa cao điểm gồm: bánh kẹo đóng hộp, bánh mứt truyền thống, thịt nguội, rau củ quả chủ đạo mùa Tết, thức ăn sẵn và hàng hóa phi thực phẩm. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại siêu thị Big C, nhận định: "Có thể Tết năm 2013 người dân sẽ không mua sắm nhiều bằng những dịp Tết cách đây 2-3 năm. Kinh tế không thuận lợi đang tác động lên toàn thị trường và Tết năm ngoái đã xuất hiện dấu hiệu khó khăn". Nhiệm vụ của nhà bán lẻ là phải đảm bảo lượng hàng dự trữ dồi dào để tránh tình trạng tăng giá. Bình ổn giá kèm theo khuyến mãi sẽ giúp cho việc bán hàng thuận lợi hơn. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng: Cuối năm, giá cả sẽ không có biến động lớn. Từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá không có biến động, thậm chí còn giảm vì nền kinh tế phát triển kém, sức mua yếu. Tuy nhiên nếu Chính phủ đẩy giá điện hay xăng thì mặt bằng giá cả sẽ tăng. 

Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy giá bị hạn chế cả về phía cung và cầu. Trong đó lo ngại nhất là nhóm lương thực thực phẩm, đặc biệt là thủy sản. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi có thể sẽ tăng giá cục bộ do người chăn nuôi dừng sản xuất. Tuy nhiên nếu thiếu hụt nguồn cung, chúng ta có thể nhập khẩu, vì vậy sẽ không căng thẳng.