Thị trường diễn biến tiêu cực, làm sao để niềm tin nhà đầu tư quay trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thanh khoản trên thị trường vốn (trái phiếu và cổ phiếu) đang sụt giảm nghiêm trọng khi hiệu ứng domino đã bị kích hoạt.

Dòng tiền sụt giảm

Trên thị trường trái phiếu, sau sự việc liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh, thị trường này đã “khựng lại” với lượng phát hành suy giảm mạnh kể từ tháng 4 trở lại đây. Trong nhiều tháng, thị trường đã không ghi nhận đợt phát hành nào của doanh nghiệp bất động sản.

Cùng với các quy định chặt chẽ hơn tại Nghị định 65 và đặc biệt sự kiện trái phiếu An Đông tiếp tục giáng một đòn nữa vào niềm tin của nhà đầu tư. Trong tháng 10, thị trường ghi nhận duy nhất 1 đợt phát hành riêng lẻ được thực hiện thành công với giá trị 210 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, thị trường ghi nhận khối lượng phát hành ra công chúng đạt 10.599 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ đạt xấp xỉ 240.761 tỷ đồng. Các con số này đã giảm mạnh lần lượt là 56% và 51% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, dù kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và đa phần các doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tăng trưởng tốt, nhưng các chỉ số lại liên tục sụt giảm, thanh khoản về vùng rất thấp.

Tính đến ngày 31/10/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 31,4% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 27/10/2022 ước đạt 5,343 triệu tỷ đồng, giảm 31,2% so với cuối năm 2021.

Giá trị giao dịch bình quân tháng 10 chỉ đạt 13.030 tỷ đồng/phiên, giảm rất mạnh so với thời kỳ đỉnh cao với thanh khoản quanh mức 50.000 tỷ đồng/phiên.

Chưa dừng lại ở đó, nửa đầu tháng 11, thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch tiêu cực, VN-Index đã thủng mốc 950 điểm.

Dù nhiều nhận định cho rằng với sự sụt giảm này, thị trường đã đi vào vùng định giá hấp dẫn, nhưng thanh khoản vẫn vô cùng èo uột. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay đáng kể.

Dòng vốn đang bị rút ra khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu

Dòng vốn đang bị rút ra khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu

Không chỉ vậy, liên tục trong những ngày đầu tháng 11/2022, nhiều công ty chứng khoán đã thông báo bán giải chấp cổ phiếu của hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Theo các chuyên gia, hiện tượng này đã cho thấy những tín hiệu của hiệu ứng domino đã xảy ra trên thị trường.

“Các tài sản sụt giảm giá trị sẽ liên quan đến rất nhiều chủ thể”, ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh của PVI AM nhận định.

Làm sao ngăn hiện tượng rút vốn?

Cùng hiện tượng rút vốn như yêu cầu tổ chức phát hành mua lại trái phiếu hay ồ ạt bán chứng chỉ quỹ… nhà đầu tư còn tránh xa các đợt phát hành trái phiếu mới nhằm cơ cấu lại nợ cũ.

Lý giải về hiện tượng thanh khoản sụt giảm trên thị trường vốn hiện tại, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư của IPA AM cho rằng, thực tế thanh khoản chưa phải là quá cạn kiệt, nhưng kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10/2022, đặc biệt là vụ việc khởi tố tại Tập đoàn Đầu tư An Đông, vòng quay tài sản chậm lại, dẫn đến thanh khoản có một cú hẫng.

“Vấn đề niềm tin trên thị trường gần như đóng vai trò quyết định để nhà đầu tư trên thị trường vốn đầu tư trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu cần một niềm tin để song hành cùng những doanh nghiệp, những đơn vị tư vấn để tin tưởng bỏ vốn của mình vào kênh đầu tư này” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Do đó, ông Hoàng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, động thái của cơ quan quản lý là có thể tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường để hỗ trợ cho nhà đầu tư giai đoạn này.

Trong khi đó, ông Mai Cường cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là các chủ thể đầu tư trên thị trường bao gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành phải ngồi lại cùng với nhau. “Khi chúng ta bình tĩnh lại với nhau nhìn nhận đúng vấn đề thì hiện tượng rút vốn sẽ được hạn chế một phần nào đó khi thông tin minh bạch” – ông Cường nói.

Đối với các quỹ đầu tư có hiện tượng bị rút vốn, theo vị chuyên gia này, nên làm talkshow với nhà đầu tư và có thể giãn tiến độ rút vốn vì không một tổ chức nào khi bị rút vốn ồ ạt có thể "đỡ" được thanh khoản trong hiện tại.

“Chúng tôi đã làm việc với một số quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán thì biết họ đều nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu khi có hiện tượng rút vốn hoặc bán tài sản của nhà đầu tư cá nhân.

Do đó, chúng ta phải bình tĩnh, ngồi lại cùng nhau, có thể có các biện pháp để giãn kế hoạch thanh toán, để làm sao thị trường có thể phát triển một cách ổn định và bền vững, tránh việc bán tháo các tài sản mà giá trị có thể cao hơn rất nhiều và nhà đầu tư càng bán tháo thì nhà đầu tư càng lỗ nhiều” – ông Cường nói.