- Thị trường chứng khoán đi lên sau Tết: Kiếm lời trên sàn như thế nào?
- Năm mới, tính chuyện sinh lời nhưng không bỏ tất cả trứng vào một giỏ
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải tăng cường khả năng chống chịu va đập của thị trường chứng khoán
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 22/2, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Điều này đặt ra nhu cầu cần phải xây dựng các thể chế để thị trường chứng khoán có thể cạnh tranh với ngân hàng, làm sao để cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Trước đó, theo số liệu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tại Hội nghị, hiện nay tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng xấp xỉ 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP, cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.
“Với bản chất hệ thống ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, chúng tôi chịu áp lực với nguồn cung vốn dài hạn, khiến hệ thống tín dụng gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, tránh rủi ro kỳ hạn” – bà Hồng nói.
Trong khi quy mô thị trường chứng khoán ở mức 3 triệu tỷ đồng. Con số này là vốn hoá thị trường, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp vốn hoá lớn hình thành từ vốn nhà nước, chỉ có một số ít doanh nghiệp huy động được vốn lớn sau này.
Bên cạnh đó, toàn bộ phần trái phiếu doanh nghiệp khoảng 100.000 tỷ đồng hiện nay chủ yếu tập trung tại một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Hoàng Anh Gia Lai và số trái phiếu này chủ yếu do các ngân hàng nắm giữ. Do đó, việc huy động vốn trung và dài hạn vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, để xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thì phải minh bạch thị trường và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông cho rằng, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là nơi “nhà đầu tư mua vào, rút ra nhanh để kiếm tiền”, chứ chưa tạo niềm tin là nơi đầu tư, nơi giữ tiền, giữ tài sản cho họ.
Còn các doanh nghiệp thì chưa đồng hành cùng nhà đầu tư, chưa coi nhà đầu tư là chủ thực sự, mà chỉ coi họ là một chỗ để “thu một cục tiền của người ta”.
“Rất đau lòng là chúng tôi là doanh nghiệp tham gia vào hầu hết các thương vụ lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Tuy nhiên không ít thương vụ khi chúng tôi ra nước ngoài huy động vốn, người ta bảo các doanh nghiệp Việt Nam coi họ như cây ATM, tức là dùng tiền của người ta nhưng không đồng hành với người ta. Chưa bàn họ nói đúng hay sai nhưng chúng ta phải suy nghĩ, vì những cái đó lan truyền thì niềm tin trên thị trường sẽ bị giảm” – ông Hưng nói.
Vì vậy, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng cần có những biện pháp để tăng cường sự minh bạch, niềm tin cho thị trường. Giải pháp đưa ra là phải làm sao xây dựng các quỹ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số.
“Hiện nay quyền cung cấp các quỹ chỉ số thuộc về các Sở Giao dịch chứng khoán nhưng liệu chỉ số này có phù hợp với thị trường hay không? Hiện các chỉ số lưu hành uy tín hiện nay trên thế giới đều thuộc về các tổ chức lớn như Morgan Stanley, Deustche Bank... chứ không thuộc một Sở nào. Các Sở giao dịch chỉ nên giữ vai trò xét duyệt thôi” – ông Hưng cho hay.
Việc chưa có một quỹ chỉ số phù hợp đã tạo nên sự không công bằng trên thị trường. “Cá nhân tôi nghĩ nhà đầu tư cá nhân là chỗ đau đầu nhất, bởi vì họ đầu tư rất ít tiền nhưng nếu mất thì họ “kêu rất to”. Vậy làm sao giải quyết.
Tôi nghĩ là đây là lúc các quỹ chỉ số của các tổ chức trung gian được phát triển, để nhà đầu tư có môi trường đầu tư công bằng và minh bạch. Cái khó nhất là đừng để những người hiểu biết hơn kiểm soát cuộc chơi, lấy được tiền của những người kém hiểu biết hơn, bằng những giải pháp không rõ ràng” – Chủ tịch SSI nói.