Thí điểm niêm yết thị trường chứng khoán quốc tế đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Đây là một trong những nội dung được đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký phê duyệt.

Cơ bản xử lý xong thất thoát, yếu kém

Đề án xác định một số chỉ tiêu chủ yếu với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại DN nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN; phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần).

Để đạt được các mục tiêu này, đề án đã xác định các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm đối với các hình thức sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu trên cơ sở bám sát các quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

Xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị DN, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc DN, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành đối với doanh nghiệp nhà nước

Sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành đối với doanh nghiệp nhà nước

Trong giai đoạn này cũng sẽ thí điểm lựa chọn một số DN sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng DN, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để DN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án; Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; đào tạo, chuyển đổi nghề và xử lý lao động dôi dư theo quy định pháp luật; tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của DNNN về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ…

Tháo gỡ những vướng mắc về chính sách

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại DNNN, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại DN để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh DNNN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, bảo đảm công khai, xác định rõ, đầy đủ chi phí, giá thành, trách nhiệm, quyền lợi của Nhà nước, DN theo nguyên tắc không làm giảm hiệu quả kinh doanh của DNNN.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các DNNN và giữa DNNN với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác; đổi mới quản trị DN trong các DNNN theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổng kết, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật bảo đảm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ được giao; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN.