- Điện Kremlin: Chưa có thỏa thuận nào về cuộc gặp 2 tổng thống Nga - Mỹ
- Nga tuyên bố sẵn sàng cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân
- Ông Trump đề nghị gỡ bỏ trừng phạt Nga
Binh lính Mỹ trong một cuộc diễn tập ở Latvia vào tháng 10-2016
Ý định “răn đe” Nga ở sườn đông NATO
Ngày 17-1, Mỹ và 2 nước đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Estonia và Lithuania đã ký các thỏa thuận quân sự. Trong khi đó, một quốc gia khác ở vùng Baltic là Latvia cũng ký một thỏa thuận tương tự xác định quy chế để hàng trăm binh lính Mỹ được triển khai trong năm nay nhằm “răn đe” Nga trên sườn phía Đông - khu vực được coi dễ bị tổn thương của NATO.
Những thỏa thuận này được ký kết sau khi Mỹ phát động một chiến dịch riêng rẽ hồi tuần trước. Theo đó, sẽ có một lữ đoàn xe bọc thép với 3.500 binh sỹ và các trang thiết bị hạng nặng tới Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và các đồng minh NATO gần đó như Romania, Bulgaria, Hungary.
Tổ chức NATO, đứng đầu là Mỹ, đã tăng cường sự hiện diện quân sự dọc biên giới các nước châu Âu với Nga kể từ khi Matxcơva sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Điện Kremlin phủ nhận có bất kỳ tham vọng lãnh thổ nào và cáo buộc NATO đang cố “bao vây” Nga.
Tuy nhiên, việc Matxcơva triển khai các tên lửa hạt nhân Iskander tới tỉnh Kaliningrad hồi năm ngoái và thường xuyên diễn tập quân sự ở khu vực Baltic cũng khiến các quốc gia thành viên của NATO ở gần đó lo ngại. Đáp lại động thái này, trong năm ngoái, NATO đã quyết định triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Ba Lan và 3 nước Baltic nhằm đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra với các nước thành viên. Về phần mình, Nga kịch liệt phản đối các động thái trên của NATO và coi quyết định tăng quân tới biên giới phía Đông của NATO, sát biên giới Nga như một hành động thách thức.
Mỹ tuyển giới ngoại giao Nga làm gián điệp?
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17-1 ở Matxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã “tố” cơ quan tình báo Mỹ tích cực tuyển mộ các nhà ngoại giao cấp cao của Nga làm gián điệp trong nhiều năm qua, trong khi các nhà ngoại giao Mỹ ở Nga tham gia các hoạt động do thám và biểu tình đối lập.
“Nếu nói đến các kỹ thuật tuyển mộ, chúng tôi sẽ không công khai số liệu thống kê đầy đủ về điều đó. Nhưng trong suốt những năm vừa qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, những hành động thiếu thân thiện với các nhà ngoại giao của chúng tôi đã tăng lên về quy mô”, hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
Cũng theo ông Lavrov, ngoài việc làm gián điệp, các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ còn thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập, cũng như các lực lượng chống đối Chính phủ, trong đó nhiều lần họ mặc đồ cải trang.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Tổng thống Obama cho rằng, Đại sứ quán Mỹ tại Nga bị ép làm việc trong điều kiện ngặt nghèo. Ông Lavrov khẳng định, có các bằng chứng cho thấy tình hình trên thực tế là hoàn toàn ngược lại và việc đi lại của các nhà ngoại giao Mỹ chưa bao giờ bị cản trở.
Theo ông Lavrov, giới chức Nga đã chặn đứng nhiều hoạt động do thám của các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga. “Chúng tôi vẫn kiểm soát các hoạt động tình báo của giới chức Mỹ, những người đang làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao…” - Ngoại trưởng Nga còn nhấn mạnh “tất cả đều được giám sát”.
Cũng trong buổi họp báo này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tương lai quan hệ Nga-Mỹ chỉ thực sự trở nên rõ ràng sau khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu làm việc. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng việc phối hợp hành động giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria giữa Nga với chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ hiệu quả hơn so với thời Tổng thống Barack Obama.