Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic: Rào cản là chính mình

ANTĐ - Căn bệnh đầu tư dàn trải khiến thể thao Việt Nam (TTVN) khó tiếp cận đấu trường thế giới. Mục tiêu giành 20-30 suất chính thức dự Olympic 2012 gần như là không thể, nhưng sẽ rất khả thi trong tương lai nếu chúng ta có chiến lược và sự đầu tư khôn ngoan.

Cần biết mình, biết người…

Một thực tế đáng buồn là gần một thập kỷ qua, TTVN luôn góp mặt trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games, song thành tích của TTVN tại sân chơi Olympic chỉ xếp thứ 6 khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng: “SEA Games giờ chỉ nên xem như bước đệm để vươn tới đấu trường châu lục, thế giới”. Thực tế trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ngành thể thao đã đặt ra nhiều mục tiêu táo bạo như giành 20-30 suất chính thức dự Olympic, đưa bóng đá vào tốp 10 châu lục và góp mặt tại World Cup… Đáng tiếc, tới thời điểm hiện tại, những nỗ lực biến lời nói thành hành động còn khá mờ nhạt.

SEA Games 26 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của nhiều tài năng trẻ như Hà Thanh (TDDC), Ánh Viên (bơi), Văn Thái (800m), Việt Anh (nhảy cao)… Đáng nói ở chỗ, những tấm HCV họ mang lại phần lớn nằm ngoài dự đoán của lãnh đạo bộ môn. Và nếu không đánh giá đúng thực lực VĐV thì thật khó để đưa ra phương án đầu tư phù hợp. Thành tích giành 59/96 HCV của các môn hệ thống Olympic tại đại hội vừa qua là một tín hiệu vui cho thể thao Việt Nam, nhất là trước mục tiêu vươn ra “biển lớn”. Nhưng ngoại trừ vài cái tên như Quý Phước, Hà Thanh, Quốc Toàn… thì thành tích mà các VĐV còn lại giành được chỉ ngang tầm khu vực.

…Và đầu tư thông minh

Để vươn tầm thế giới ngành thể thao cần có chiến lược và sự đầu tư khôn ngoan

Một lãnh đạo ngành thể thao từng thổ lộ: “Nếu đổi được 96 HCV SEA Games 26 lấy 1 HCV Olympic, tôi sẵn sàng!”. Tại thời điểm này, ngoài 2 cái tên chính thức là Hà Thanh (TDDC), Quốc Toàn (cử tạ) và 2 cái tên có 99% cơ hội là Quý Phước (bơi), Tiến Minh (cầu lông); TTVN còn Văn Ngọc Tú (Judo), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Trương Thanh Hằng - Dương Việt Anh (điền kinh), Hà Minh Thành (bắn súng)… có cơ hội lớn. Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành thể thao lại phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước, rất khó để thay đổi diện mạo chỉ trong thời gian ngắn. Vậy nên, mục tiêu cấp thiết hàng đầu là đầu tư mạnh mẽ cho các VĐV này góp mặt, thậm chí giành huy chương tại giải đấu danh giá nhất thế giới.

Nhìn lại thực trạng đầu tư cho thể thao hiện tại, rõ ràng chúng ta đang có sự lãng phí lớn. Hơn 1.000 tỷ đồng rót vào mỗi năm cho hàng nghìn VĐV thuộc hơn 40 môn thể thao đỉnh cao tập luyện, ăn ở cả năm trời tại các trung tâm. Trong khi với con số tương tự mà Nhà nước và xã hội đầu tư cho riêng bóng đá vẫn chưa thể mang về tấm HCV SEA Games. Dù ai cũng biết, HCV Đông Nam Á chẳng có tiếng nói gì trong làng bóng đá thế giới. Vậy tại sao không dành số tiền trên, đầu tư cho một hay vài VĐV nòng cốt có khả năng giành huy chương Olympic?