Thế lực mới của đồng Nhân dân tệ

ANTĐ - Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được định chế tài chính lớn nhất nhì thế giới Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao trong hệ thống tiền tệ quốc tế khi chính thức đưa đồng tiền này vào giỏ tiền tệ quốc tế gồm 5 đồng tiền hàng đầu thế giới.

Thế lực mới của đồng Nhân dân tệ ảnh 1Đồng Nhân dân tệ đang trở thành một thế lực mới trong hệ thống tiền tệ quốc tế

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30-11 tuyên bố đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chính thức đủ  điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này đã đưa NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện gồm USD của Mỹ, Euro của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Bảng của Anh và Yên của Nhật Bản.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1999, giỏ các đồng tiền dự trữ của IMF có sự thay đổi. Năm 1999, IMF đã quyết định đưa đồng Euro vào giỏ tiền tệ quốc tế thay cho đồng Mark của CHLB Đức và đồng Franc của Pháp khi hai đồng tiền này chấm dứt sử dụng để cùng chuyển sang sử dụng đồng tiền chung Euro khi Eurozone ra đời.  

Theo quyết định của IMF có hiệu lực từ ngày 1-10-2016, đồng NDT sẽ chiếm 10,92% tỷ trọng trong SDR, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng 41,73% của USD, 30,93% của Euro song cao hơn tỷ lệ 8,33% của đồng Yên và 8,09% của đồng Bảng Anh. Tỷ lệ hiện nay trong giỏ tiền tệ là USD chiếm 41,9%, Euro 37,4%, Bảng Anh 11,3% và Yên 9,4%.

Việc đồng NDT được IMF đưa vào SDR được xem là bước đột phá lớn đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này khiến cho vị thế của Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ và hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, trên các thị trường tài chính càng được củng cố và có uy tín hơn.

SDR là loại tiền tệ được IMF tạo ra vào năm 1969, đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên và chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy không thể tiêu SDR như các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, SDR với sự tham gia của các đồng Euro, Yên và Bảng Anh đã giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD và vàng là công cụ thanh toán duy nhất.

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và sự bùng nổ trong giao thương của Trung Quốc với các nền kinh tế toàn cầu, NDT đã trở thành đồng tiền mạnh trên thế giới, được các chuyên gia dự báo có thể đe dọa vị thế của đồng USD. Tham gia vào giỏ định giá SDR sẽ là bước tiến dài để đồng NDT trở thành đối thủ thực sự của USD vốn đang giữ vai trò chi phối lớn trên thế giới.

Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế nhiều năm qua, Trung Quốc từ năm 2000, tức là cách đây 15 năm, đã đặt vấn đề đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế để NDT được sử dụng một cách tự do trên các thị trường tài chính toàn cầu, song luôn bị một số cường quốc khác trong IMF, đặc biệt là Mỹ, làm khó dễ với nhiều lý do khác nhau. Nay với việc NDT được bổ sung vào giỏ tiền tệ của IMF được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi tăng nhu cầu mua vào đồng NDT của các ngân hàng trung ương trên thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD và qua đó giúp nâng cao vai trò và vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.