Thế giới phân cực nhìn từ “điểm nóng” Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiến tranh bùng nổ ở Ukraine là đỉnh điểm của những mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, trong đó có Ukraine. Diễn biến đã làm cho sự phân cực vốn đang gây nhiều vấn đề với thế giới ngày càng gay gắt hơn.

Khi “lằn ranh đỏ” bị vượt qua

Nguy cơ đe dọa an ninh bởi kế hoạch mở rộng NATO là vấn đề mà Nga quan tâm từ lâu. Trong văn bản gần nhất gửi cho Mỹ và các nước NATO ngày 17-12-2021, Nga đã đưa ra 8 yêu cầu về an ninh. Trong đó, điều khoản quan trọng nhất là NATO ngừng mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và không diễn tập quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Nga không coi các yêu cầu của mình là tối hậu thư nhưng cảnh báo Mỹ và NATO “không nên coi nhẹ” những yêu cầu của mình. Nga cũng giải thích rằng, trong bối cảnh ngoại giao toàn cầu ngày càng “hỗn loạn và căng thẳng”, Mátxcơva cần nhận được các đảm bảo an ninh ràng buộc về pháp lý từ NATO. Tuy nhiên, các yêu cầu của Nga, đặc biệt là việc mở rộng NATO, đã vấp phải sự phản đối ngay lập tức. Mỹ và NATO tuyên bố sẽ không thỏa hiệp các nguyên tắc chính mà nền an ninh châu Âu được xây dựng. Điều đó bao gồm việc tất cả các quốc gia có quyền tự quyết định tương lai và chính sách đối ngoại của mình mà không bị can thiệp từ bên ngoài.

Tranh cãi về việc mở rộng NATO sang phía Đông không phải là vấn đề mới này sinh giữa Nga với Mỹ và NATO mà đã tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cho dù mức độ gay gắt ở từng giai đoạn có khác nhau. NATO ra đời trên cơ sở Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, được Mỹ, Canada và 10 nước châu Âu (Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Italia) ký ngày 4-4-1949 tại Washington. Năm 1952, NATO kết nạp thêm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đó là Tây Đức năm 1955.

Thế giới bắt đầu phân cực rõ ràng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, EU và bên còn lại là Trung Quốc, Nga nhìn từ “điểm nóng” Ukraine

Thế giới bắt đầu phân cực rõ ràng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, EU

và bên còn lại là Trung Quốc, Nga nhìn từ “điểm nóng” Ukraine

Mục đích thành lập của NATO là để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô. Để đối phó với sự ra đời của NATO, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Warsaw vào năm 1955 để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự đối địch này là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ XX.

Sau khi chế độ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thay đổi và Liên Xô tan rã, khối Warsaw giải thể, NATO không còn lý do để tồn tại. Thế nhưng, thay vì giải thể, NATO liên tục mở rộng, tiến sang phía Đông sát với Nga. Điều này trái với những gì mà Mỹ đã hứa với Nga. Năm 1990, khi vấn đề thống nhất nước Đức được thảo luận, giới lãnh đạo Liên Xô đã được Mỹ đảm bảo rằng, sự thống nhất của Đức sẽ không dẫn đến sự mở rộng về phía Đông của tổ chức quân sự của NATO “dù chỉ 1cm”.

Nhưng nay, nhìn vào bản đồ có thể thấy NATO đã “hướng Đông” rất xa. Từ sau Chiến tranh Lạnh, đã có 5 “làn sóng” mở rộng NATO. Năm 1999 là Ba Lan, Czech và Hungary. Năm 2004 là Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. 2009 là Albania và Croatia. 2017 là Montenegro. Gần đây nhất vào năm 2020 là Bắc Macedonia.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO đã lên kế hoạch kết nạp Ukraine và Gruzia vào liên minh trong tương lai. Việc NATO có thể tiến sát đến biên giới Nga đã khiến mối đe dọa quân sự đối với Nga tăng lên gấp nhiều lần, đặc biệt là nguy cơ bị tấn công bất ngờ. Nếu hệ thống tên lửa tấn công của NATO xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine, thời gian bay đến Thủ đô Mátxcơva vào khoảng 7-10 phút, với vũ khí siêu thanh là chỉ 5 phút. Với việc NATO vượt qua “lằn ranh đỏ” khi kiên quyết với kế hoạch kết nạp Ukraine, những mối đe dọa như vậy là điều mà Nga phải đối mặt.

Chiến tranh Lạnh có trỗi dậy?

Chiến tranh bùng nổ ở Ukraine chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu căng thẳng hơn. Kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Nga. Sau khi Nga tuyên bố công nhận độc lập của 2 nước Cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass và mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Nga ngày càng khắc nghiệt hơn.

Trong bối cảnh đó, quan hệ Đông - Tây tiếp tục lao theo đà đổ vỡ. Vết nứt trong lòng châu Âu sẽ rộng thêm. Để đối phó và giảm sức ép trừng phạt của Mỹ và châu Âu, nhiều khả năng Nga sẽ phải hướng vào những mối hợp tác khác, nhất là với Trung Quốc. Cũng như Nga, Trung Quốc đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến thương mại, khoa học - công nghệ. Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền. Hồi đầu tháng 2 vừa rồi, Mỹ đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm xác định rõ định hướng mới về cạnh tranh và quản trị cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ là thiết lập môi trường địa chiến lược xung quanh Trung Quốc để buộc nước này phải thay đổi lựa chọn hành vi.

Trái ngược với quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, hồi đầu năm ngoái, trong chuyến thăm đến Bắc Kinh của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Trung Quốc và Nga đã có cuộc trao đổi trong bầu không khí mà truyền thông Bắc Kinh nhận định là khác hoàn toàn với đối thoại Mỹ - Trung diễn ra trước đó 2 ngày. Lãnh đạo và người dân cả hai nước đều đánh giá quan hệ Nga - Trung Quốc đang ở giai đoạn “tốt nhất trong lịch sử”. Kết quả là hai nước đã quyết định củng cố mối quan hệ lên mức sâu sắc nhất trong lịch sử, nhất trí tự động gia hạn Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác thêm 5 năm nữa nhưng trên nguyên tắc phi liên minh.

Hai nước còn thông báo với nhau về những diễn biến mới nhất trong quan hệ của mỗi nước với Mỹ, cùng kêu gọi Washington nên suy xét lại về những tổn hại mà nước này có thể gây ra cho hòa bình thế giới. Hai nước cũng lên án những hành động đe dọa, can thiệp vào nội bộ của nước khác của Mỹ, kêu gọi Washington chấm dứt chiến lược tạo lập quan hệ để đối đầu với các nước khác. Nga và Trung Quốc thậm chí còn cùng nhau bàn luận về chiến lược hợp tác sâu sắc hơn để chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Thế giới bắt đầu phân cực rõ ràng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, EU và bên còn lại là Trung Quốc, Nga. Người ta đang lo ngại Chiến tranh Lạnh một lần nữa trỗi dậy.