- Nổ bom xe ở Syria: 31 người thiệt mạng, 170 người bị thương
- IS tuyên bố kẻ đánh bom ở Ansbach (Đức) là chiến binh đạo Hồi
- IS tuyên bố bắn hạ máy bay quân sự Mỹ ở Iraq
Giáo hoàng Francis
Ngày 27-7, trên chuyến bay từ thành Rome của Italia tới thành phố Krakow của Ba Lan, nơi Giáo hoàng Francis cùng hàng trăm nghìn tín đồ Công giáo trẻ tuổi trên thế giới tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới (World Youth Day), đã cho rằng: “Thế giới đang trong chiến tranh”. Giáo hoàng Francis nói: “Thế giới đang chiến tranh vì nó đã mất đi bình yên. Đây là cuộc chiến tranh. Chúng ta đã có một cuộc chiến tranh năm 1914, một cuộc chiến tranh giai đoạn 1939-1945 và nay là một cuộc nữa”.
Người đứng đầu Giáo hội đưa ra quan điểm đáng chú ý sau sự việc hai kẻ tấn công cầm dao xông vào một nhà thờ ở Pháp sát hại một đức cha. Sau khi cho biết đích thân Tổng thống Pháp Hollande đã gọi điện chia buồn với ông sau vụ việc đức cha ở nhà thờ Pháp bị sát hại, Giáo hoàng Francis đã nhắc tới các nạn nhân khác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, rất nhiều trong số đó là người Hồi giáo.
Giáo hoàng Francis nêu rõ, vị tu sĩ chết khi đang chủ trì một lễ cầu nguyện trong nhà thờ ở Pháp chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân, bao gồm rất nhiêu trẻ thơ vô tội khác. Ông cho rằng, đây là không phải là một cuộc chiến tranh có tổ chức, dù đúng là nó đã được những kẻ gây ra trù liệu, chuẩn bị, tính toán kỹ, song đó vẫn là một cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến tranh mà Giáo hoàng Francis không nêu đích danh, song cả thế giới đều biết rõ đó là cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc chiến này được bắt đầu ngay từ sự kiện khủng bố chấn động toàn cầu nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 làm khoảng 3.000 người thiệt mạng. Cả thế giới chứ không riêng gì nước Mỹ ngay sau dấu mốc đẫm máu trên đã thực sự bước vào một cuộc chiến cam go chống khủng bố trên toàn cầu. Gần tròn 15 năm đã trôi qua, nhưng rõ ràng cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa có hồi kết và khủng bố vẫn là một nỗi ám ảnh với thế giới.
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt, quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại khiến khoảng 19 triệu người thiệt mạng và thiệt hại vật chất 338 tỷ USD (tính theo thời giá lúc đó).
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) là cuộc chiến tranh thảm khốc trong lịch sử loài người, cướp đi sinh mạng của khoảng 70 triệu người và thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD (tính theo thời giá lúc đó). Không thể sánh về quy mô, tính chất, ảnh hưởng… cũng như tổn thất về sinh mạng và vật chất so với hai cuộc chiến tranh thế giới mà loài người đã trải qua trong thế kỷ XX, song cuộc chiến chống khủng bố hiện nay đã kéo dài hơn gấp 3 lần chiến tranh thế giới thứ nhất, gần 3 lần chiến tranh thế giới lần thứ hai. Điều đáng nói là hiện chưa có bất kỳ ai trên toàn cầu có thể khẳng định khi nào cuộc chiến chống khủng bố sẽ cơ bản khép lại.
Cũng khác cơ bản với hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây, cuộc chiến chống khủng bố hiện nay không xuất phát chính từ tranh giành lợi ích, ảnh hưởng, mâu thuẫn… giữa các quốc gia mà có nguồn gốc sâu xa từ xung đột tôn giáo, sắc tộc, giàu nghèo ngay trong lòng mỗi quốc gia và thế giới. Bởi thế, cuộc chiến tranh hiện nay - theo nhìn nhận của Giáo hoàng Francis, có thể còn rất dai dẳng và không kém phần cam go.