Thế giới cần chung tay ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những hình ảnh cho thấy sự tàn bạo của những kẻ khủng bố cùng thiệt hại về sinh mạng của người dân trong vụ khủng bố tại trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở Thủ đô Moskva, Nga, đang khiến cả thế giới phẫn nộ, đòi hỏi các nước phải chung tay ngăn chặn.
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Moskva

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Moskva

ISIS-K nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố ở Moskva

Hôm qua (24-3-2024), nước Nga tổ chức quốc tang, tưởng nhớ hơn 130 người đã vĩnh viễn ra đi sau trong vụ tấn công khủng bố man rợ và đê hèn ở Moskva. Chiều 23-3, trong bài phát biểu phát sóng trên kênh truyền thông quốc gia Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi những gì xảy ra ở trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall là một vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Ông tỏ lòng biết ơn tới những nhân viên dịch vụ khẩn cấp, những người đang làm hết sức mình để cứu mạng sống của người dân. An ninh đã được thắt chặt tại các sân bay, trung tâm giao thông và trên khắp Thủ đô Moskva; các sự kiện công cộng lớn trên khắp nước Nga đã bị hủy bỏ. Hôm thứ bảy, người dân ở Moskva đã xếp hàng dài để hiến máu cứu những người bị thương. Theo các quan chức y tế, hiện vẫn còn hơn 120 người đang được cứu chữa.

Một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có tên “Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”, hay ISIS-K, đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Nhóm này đã cho công bố một đoạn video được máy quay gắn trên người một trong các tay súng ghi lại về vụ tấn công khủng bố. Đoạn video dài 1,5 phút này được hãng tin Amaq của IS đăng tải trên Telegram ngày 23-3, ghi cận cảnh các tay súng la hét và tấn công nạn nhân khi tiến vào sảnh trung tâm hòa nhạc.

ISIS-K còn cung cấp bức ảnh gồm 4 đối tượng mà nhóm này tuyên bố là những tay súng thực hiện vụ tấn công khủng bố, đồng thời cho biết các tay súng đã tẩu thoát sau khi thực hiện vụ khủng bố và đã “về tới căn cứ an toàn”. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB), các đơn vị đặc biệt của nước này đã bắt giữ 11 nghi phạm, trong đó có 4 đối tượng trực tiếp liên quan đến vụ tấn công khủng bố. ISIS-K nổi lên tại miền Đông Afghanistan vào năm 2014, lấy tên theo một vùng lịch sử từng bao trùm một phần Iran, Turkmenistan và Afghanistan.

Cũng như IS, ISIS-K là lực lượng khét tiếng tàn bạo và vì những hoạt động cực đoan. ISIS-K đã nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công, chủ yếu tại Afghanistan và những vùng lân cận, trong đó nổi bật là vụ tấn công Đại sứ quán Nga tại Thủ đô Kabul vào tháng 9-2022 và vụ tấn công sân bay Kabul năm 2021 khiến nhiều dân thường và quân nhân Mỹ thiệt mạng lúc đang rút quân khỏi Afghanistan.

Những chiến dịch truy quét của Taliban và lực lượng Mỹ đã khiến ISIS-K bị giảm sức mạnh từ năm 2018, nhưng tổ chức này vẫn là mối đe dọa lớn tại khu vực. Năm 2021, liên minh Mỹ và phương Tây rút khỏi Afghanistan khiến năng lực chiến đấu và thu thập tình báo về các nhóm cực đoan này bị suy giảm. Không chỉ ở Afghanistan, ISIS-K được cho là thường tấn công mà không cảnh báo trước, gây ra mối đe dọa thường trực cho an ninh khu vực và quốc tế. Chỉ riêng trong năm 2023, ISIS-K đã lên kế hoạch thực hiện khoảng 21 vụ tấn công ở 9 quốc gia, tăng so với 8 vụ vào năm trước.

Theo Times of India, nếu ISIS-K được xác nhận đứng sau vụ tấn công ngày 22-3, thì một trong những lý do ISIS-K nhắm đến Nga có thể là do sự can thiệp quân sự của nước này tại Trung Đông, đặc biệt là tại Syria. Nga có căn cứ quân sự tại Syria và từng điều quân đến hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để chống IS và các nhóm cực đoan khác. Cả IS nói chung và ISIS-K nói riêng từ lâu đã tuyên bố ý định tấn công Nga. Họ trích dẫn việc Nga chiếm đóng quân sự Afghanistan trước đó vào những năm 1980, đồng thời chỉ trích sự đối xử của Nga với các cộng đồng Hồi giáo ở nước này, đặc biệt là ở Bắc Caucasus.

Chống khủng bố là cuộc chiến không ngừng nghỉ

Vụ tấn công khủng bố ở Moskva một lần nữa cho thấy mối đe dọa dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Mặc dù, thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực “vẫn bén rễ và phát triển”. Các “chân rết” của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và IS ở châu Phi đang nhanh chóng chiếm ưu thế ở những khu vực như Sahel và đang có xu hướng mở rộng về phía nam tới vịnh Guinea. Trong khi đó, chủ nghĩa phát xít mới (Neo-Nazi) và phong trào “da trắng thượng đẳng” đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa an ninh chính ở bên trong một số quốc gia.

Thực tế đó cho thấy, thế giới chưa an toàn và sẽ không thể an toàn chừng nào chủ nghĩa khủng bố còn tồn tại. Chống khủng bố vẫn là cuộc chiến không ngừng nghỉ và lâu dài. Là mối đe dọa mang tính toàn cầu, khủng bố chỉ có thể được ngăn chặn bằng nỗ lực chung của cả thế giới, với sự chung tay của cả cộng đồng.

Năm 2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết về Chiến lược chống khủng bố toàn cầu. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, LHQ và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện một cách công bằng trên cả 4 trụ cột của Chiến lược, bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng chống khủng bố và tăng cường vai trò của LHQ trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp.

Tất nhiên, nỗ lực chống khủng bố phải được tiến hành trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, với việc tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gắn liền với mục tiêu vì một thế giới hòa bình, bình đẳng và cùng phát triển. Thêm vào đó, cũng cần phải thấy ngoài các biện pháp quân sự, không được quên rằng nghèo đói, bất công, áp bức, xâm lược, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, văn hóa... luôn là miếng đất màu mỡ cho tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố nảy nở. Thế giới chắc chắn sẽ an toàn hơn nếu không phải chứng kiến nghịch lý khi người ta sẵn sàng đổ ra hàng nghìn tỷ USD vào các cuộc chiến và chi tiêu quân sự mà lại ngoảnh mặt trước thực tế khi hàng trăm triệu người hiện vẫn sống trong nghèo khổ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng kêu gọi các quốc gia giải quyết các điều kiện cơ bản, tạo điều kiện để khủng bố phát triển, trong đó có nghèo đói, nhằm ngăn chặn bạo lực lan rộng. Người đứng đầu LHQ cho rằng, do chủ nghĩa cực đoan được sinh ra từ nhiều cuộc khủng hoảng đang tác động đến thế giới, từ khủng hoảng lương thực và năng lượng đến biến đổi khí hậu và cũng như làn sóng lan truyền hận thù trên Internet nên thế giới cần tập trung phòng ngừa. Theo ông, đây cũng là cách thức tiếp cận hiệu quả nhất nhằm chấm dứt mối đe dọa này.

Trong phát biểu trên truyền hình quốc gia sau vụ tấn công tại trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi thủ phạm gây ra vụ tấn công là “khủng bố quốc tế” và nói rằng, ông sẵn sàng phối hợp với bất kỳ quốc gia nào muốn đánh bại chúng. Ông nhấn mạnh: “Tất cả những thủ phạm, những kẻ tổ chức và những người ra lệnh thực hiện tội ác này sẽ bị trừng phạt thích đáng. Dù chúng là ai, bất cứ kẻ nào đang chỉ đạo chúng, chúng tôi sẽ xác định và trừng phạt tất cả những kẻ đứng sau những đối tượng khủng bố, những kẻ đã lên kế hoạch cho hành động tàn bạo này, đây là cuộc tấn công nhằm vào nước Nga, nhằm vào nhân dân chúng tôi”.