Thế bế tắc trên chính trường Thái Lan

ANTĐ - Lối thoát cho cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan hiện vẫn chưa rõ ràng sau khi quân đội nước này bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật từ rạng sáng 20-5.

Binh sĩ quân đội Thái Lan canh gác trên một cầu vượt đường bộ ở Thủ đô Bangkok
sau khi ban bố lệnh thiết quân luật

Tình hình Thủ đô Bangkok cũng như các thành phố lớn khác của Thái Lan đến ngày 21-5 vẫn tương đối yên tĩnh sau khi quân đội nước này bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật mà không tiến hành tham vấn chính phủ tạm quyền. Mọi hoạt động sinh hoạt, làm ăn buôn bán… của người dân cũng như du khách quốc tế đến Thái Lan vẫn bình thường.

Tuy nhiên, phía sau sự yên tĩnh xã hội đó vẫn là mâu thuẫn, xung đột chính trị chưa có lời giải. Tình trạng thiết quân luật được Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha ban bố từ 3h sáng 20-5 có thể đã ngăn tình hình căng thẳng, phức tạp hơn trong trường hợp hai phe biểu tình ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Thái Lan  Niwattumrong Boonsongpaisan và phản đối do thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban đứng đầu đụng độ nhau.

Theo lệnh thiết quân luật được áp dụng, người dân Thái Lan sẽ bị hạn chế đi lại và bị cấm tụ tập đông người. Ngoài ra, việc thực thi lệnh thiết quân luật cũng cho phép quân đội Thái Lan có quyền lục soát, áp đặt lệnh giới nghiêm và giam giữ những kẻ tình nghi tới 7 ngày. 

Tuyên bố khi ban bố lệnh thiết quân luật, tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định, đây “không phải là một cuộc đảo chính” mà chỉ là hành động nhằm khôi phục trật tự trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị leo thang. Viên tướng quyền lực nhất của quân đội Thái Lan cho biết, tình trạng thiết quân luật sẽ được duy trì đến khi hòa bình và trật tự được lập lại, đồng thời hối thúc các phe phái chính trị đàm phán tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng. 

Tình trạng thiết quân luật được quân đội Thái Lan ban bố sau khi cuộc khủng hoảng trên chính trường nước này kéo dài suốt từ tháng 12-2013 tới nay. Cuộc đối đầu giữa hai lực lượng chính trị ở Thái Lan ngày càng leo lên những nấc thang nguy hiểm, đe dọa bùng phát dữ dội khi những người ủng hộ cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và phe đối lập do ông Suthep lãnh đạo đụng độ nhau trong “trận chiến cuối cùng” vào tuần này.

Trong khi đó, khủng hoảng chính trị kéo dài ở Thái Lan đã khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sụt giảm tới 2,1% trong quý I-2014. Dự đoán tăng trưởng năm 2014 của Thái Lan đã bị hạ từ mức 3-4% xuống còn 1,5-2,5% và đây là lần đầu tiên nước ngày có nguy cơ suy giảm kinh tế kể từ quý IV của năm 2011 tới nay.

Cho dù “ra tay” hành động trọng bối cảnh đó, song giới quan sát và nhất là Chính phủ tạm quyền Thái Lan vẫn chưa thể tin việc ban bố tình trạng thiết quân luật “không phải là một cuộc đảo chính” của quân đội nước này. Điều quan trọng nhất, theo giới phân tích, hành động của quân đội không thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trường kéo dài nhiều năm qua ở Thái Lan. Bởi muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, nước này cần phải có một môi trường tương đối ổn định để tiến hành cuộc tổng tuyển cử minh bạch và công bằng nhằm bầu ra một Quốc hội mới và lập ra tân Chính phủ được người dân và tất cả các lực lượng chính trị chấp thuận.