Tháo “ngòi nổ” ADIZ

ANTĐ - Tại chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du tới 3 quốc gia Đông Bắc Á Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Trung Quốc với sứ mệnh nan giải tháo “ngòi nổ” ADIZ.

Phó Tổng thống Mỹ  Joe Binden cùng cháu nội Finnegan Biden đến sân bay Bắc Kinh ngày 4-12

Ông Joe Biden cùng người cháu nội Finnengan Biden ngày 4-12 đã từ Nhật Bản tới Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để có các cuộc hội đàm với lãnh đạo cao nhất như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều, Thủ tướng Lý Khắc Cường... Nội dung bao trùm không ngoài việc tìm cách làm giảm căng thẳng quanh vấn đề Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc vừa thiết lập, trong đó bao gồm cả các khu vực mà hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Thực ra, chương trình nghị sự chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của ông Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ đã được chuẩn bị từ hàng tháng nay nhằm triển khai chiến lược đối ngoại lấy châu Á-Thái Bình Dương làm trọng tâm, trong đó tập trung chủ yếu vào quan hệ song phương, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế - thương mại. Thế nhưng, việc Trung Quốc bất ngờ đơn phương thiết lập ADIZ ngay trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đã làm đảo lộn chương trình nghị sự chuyến công du vốn được chuẩn bị công phu này.

Vì thế, thay vì đi sâu vào các vấn đề kinh tế-thương mại, ông Biden phải gánh vác sứ mệnh mới phải làm sao xử lý ổn thỏa để “quả bom” ADIZ không phát nổ. Bởi một khi vấn đề ADIZ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng, nguy hiểm sẽ không chỉ tác động tiêu cực đối với mối quan hệ giữa các cường quốc ở Đông Bắc Á, mà còn ảnh hưởng tới hòa bình ổn định ở khu vực này cũng như toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương nói chung. 

Song tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng ADIZ lại xem ra vô cùng khó khăn với ông Biden. Với phản ứng và thái độ của Mỹ cũng như hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc thì những quốc gia này chắc chắn không những không chấp nhận mà còn có những hành động thực tế như việc Mỹ cho máy bay ném bom chiến lược B-52 “diễu” qua ADIZ để phủ nhận khu vực này cũng như thách thức Trung Quốc.

Nếu Mỹ và đồng minh không nhân nhượng thì chỉ có cách là Trung Quốc phải “xuống thang” trong vấn đề ADIZ. Sự xuống nước của Trung Quốc, trong trường hợp ông Biden thuyết phục được, sẽ hoặc là hủy bỏ ADIZ  hoặc là giữ ADIZ song không thực thi vùng nhận dạng này như Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney đã hối thúc ngày 3-12.

Tuy nhiên, nhìn từ Bắc Kinh có thể thấy rằng Trung Quốc khó có thể không thực thi ADIZ và càng không có chuyện rút lại vùng nhận dạng này. Trung Quốc, với sự trỗi dậy mạnh mẽ đã trở thành một cường quốc tầm cỡ toàn cầu và có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên cả thế giới, nên chuyện rút lại hoặc không thực thi ADIZ sẽ khiến cường quốc này không chỉ mất thể diện mà còn có nguy cơ bị thế giới xem là “con hổ” cùn nanh vuốt.

Báo Trung Quốc “nhắc nhở” Phó Tổng thống Mỹ

Tờ China Daily của Trung Quốc đã “nhắc nhở” Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi có buổi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm qua 4-12. Trong bài xã luận có tít “Tranh chấp trên biển Hoa Đông, Mỹ nên đứng ngoài cuộc” trên tờ China Daily có viết rằng, “nếu ông Joe Biden đến thăm Trung Quốc mà lặp lại những phát ngôn “sai lệch và một chiều” trước đây của Chính phủ Mỹ, thì không nên trông chờ đạt được những tiến triển lớn”. Những tiến triển lớn này liên quan đến việc xoa dịu căng thẳng tại khu vực biển Hoa Đông. Bài xã luận còn đề cập, nếu nước Mỹ muốn thực sự dốc sức để “hạ nhiệt” căng thẳng khu vực, đầu tiên cần phải dừng việc ngầm tán đồng và hỗ trợ thiên vị chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản. Theo Chinadaily