Thành tựu 50 năm quan hệ tạo động lực thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Malaysia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam và Malaysia đã khép lại năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bằng những thành tựu ấn tượng trong hợp tác cùng chuỗi hoạt động kỷ niệm phong phú, trong đó có trận thi đấu giao hữu giữa Công an Hà Nội FC với đội Cảnh sát Hoàng gia Malaysia diễn ra chiều 29-12, trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội).

Mối quan hệ phát triển toàn diện và sâu rộng

Mối quan hệ hữu nghị và sự kết giao giữa Việt Nam và Malaysia có nguồn gốc sâu xa trong nhiều thế kỷ. Ngày 30-3-1973, Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Kể từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam - Malaysia đã trải qua chặng đường dài 50 năm xây dựng và liên tục phát triển, để lại nhiều dấu mốc đáng nhớ mà nổi bật là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào 7-8-2015.

Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia

Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia

Trên nền tảng vững chắc về chính trị - ngoại giao, sự tương đồng về văn hóa, lịch sử và sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ này đã phát triển toàn diện và sâu rộng trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hoá đến quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, đem lại kết quả tích cực với hai nước.

Điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam - Malaysia là hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới. Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan và Campuchia). Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng trong những năm qua, năm 2022 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2021. Trong lĩnh vực đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 668 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 13 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có 21 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD.

Các lĩnh vực hợp tác giáo dục, văn hóa - du lịch, khoa học - kỹ thuật và giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh. Hiện nay có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam du học tại Malaysia. Malaysia cũng nằm trong nhóm 10 thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Trước đại dịch Covid-19, tổng trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 đạt khoảng 1 triệu lượt. Năm 2022, Việt Nam đón hơn 170.000 lượt khách Malaysia, trong khi Malaysia đón khoảng 170.000 lượt khách Việt Nam. Hợp tác lao động cũng phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2003, hai chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên về việc đưa người Việt Nam sang làm việc tại Malaysia.

Ngoài hợp tác song phương, Việt Nam và Malaysia còn là các đối tác chặt chẽ trong ASEAN cũng như trong các cơ chế liên khu vực như Liên hợp quốc, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt (ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á…), APEC và ASEM. Cả hai cũng là thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Tại các cơ chế đa phương này, hai nước cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau nhằm duy trì các nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và bao trùm cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên toàn thế giới.

Hai nước cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường đoàn kết, duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, cũng như kêu gọi việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Hai bên ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên biển và đại dương trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Nắm bắt cơ hội mà quan hệ đối tác chiến lược mở ra

Có thể khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia là một mô hình thành công dựa trên sự chân thành và tin cậy về chính trị; tính năng động, linh hoạt và bền vững trong hợp tác kinh tế cùng với tình cảm chân thành và gắn kết giữa hai dân tộc. Trên nền tảng của những thành tựu hợp tác trong 50 năm qua, hai bên có nhiều dư địa để tăng cường quan hệ, mà trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới chính là phối hợp thúc đẩy, giám sát để triển khai một cách có hiệu quả nhất Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặc biệt chú trọng việc duy trì tin cậy chính trị, duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như công nghiệp Halal, chuyển đổi số…

Về hợp tác kinh tế, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Hướng tăng trưởng kim ngạch là rất khả thi, tuy nhiên để hiện thực hóa được mục tiêu này thì hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm của nhau, đồng thời các doanh nghiệp hai bên không ngừng tìm kiếm các hướng hợp tác trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như nông thủy sản, các sản phẩm Halal, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm linh kiện điện tử... Một trong những thế mạnh của Malaysia là đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn. Điều này có thể tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy - hải sản và nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Các mặt hàng này của Việt Nam sẽ không chỉ nhập khẩu vào thị trường Malaysia mà còn trung chuyển qua Malaysia tới các thị trường Hồi giáo ở Trung Đông và thế giới.

Bên cạnh đó, một trong những tiềm năng hợp tác mà phía Malaysia đang rất quan tâm thúc đẩy chính là phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Halal (ngành công nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm phù hợp với người theo đạo Hồi). Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3-2022, Thủ tướng Malaysia khi đó Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob đã bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam sang lĩnh vực công nghiệp Halal và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mở rộng và phát triển ngành công nghiệp này. Như vậy, Malaysia đã chủ động gợi ý một hướng hợp tác mới rất tiềm năng. Điều quan trọng là Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng cơ hội như thế nào trong hợp tác với Malaysia về công nghiệp Halal. Hai nước còn có điểm chung trong chiến lược về đảm bảo an ninh lương thực tới năm 2030, do đó việc hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần đưa hợp tác kinh kế tiếp tục có những bước phát triển.

Trong bối cảnh hai nước đã mở cửa sau Covid-19, việc kết nối trở lại về du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục và lao động là nhu cầu cấp thiết. Thị trường Malaysia hiện rất cần lực lượng lao động cũng như có nhiều tiềm năng về hợp tác du lịch và đầu tư. Đây là những cơ hội đang mở ra mà hai bên cần nắm bắt và đẩy mạnh triển khai.