“Thành phố ma” ở Trung Quốc

ANTĐ - Từng được báo chí địa phương gán cho cái tên rất kêu là Dubai của Trung Quốc và Hồng Kông thu nhỏ, Kangbashi, một dự án khu đô thị mới tại thành phố Ordos thuộc khu tự trị Nội Mông xa xôi ở phía bắc Trung Quốc, hiện không khác gì một “thành phố ma”. Những hứa hẹn trợ cấp tiền của chính phủ đã cạn kiệt, các tòa chung cư cao chót vót phần lớn vẫn bỏ trống, trong khi những công trình kỷ niệm hoành tráng rất ít người xem…

Các tuyến đường vắng người qua lại tại Ordos

Tham vọng viển vông

Kangbashi là dự án đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc, bắt đầu được triển khai vào năm 2004 nhằm tạo ra một khu đô thị thương mại tiên tiến ở Ordos. Trong 3 năm đầu tiên của dự án, nhà chức trách thành phố đã chi 1,7 tỷ NDT (272 triệu USD) để biến vùng này thành một đô thị hiện đại với các công trình công cộng công nghệ cao, tòa nhà chọc trời, viện bảo tàng, thư viện và những khu căn hộ đủ chỗ cho 300.000 người sinh sống. Thế nhưng, trên thực tế, đây là những tham vọng hết sức viển vông. Đến cuối năm 2010, khu vực này mới chỉ có 28.000 cư dân đến ở, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Hậu quả này có phần từ giá bất động sản tăng chóng mặt do tình trạng đầu cơ không được kiểm soát. 

Cùng năm đó, chính quyền địa phương đã công bố một loạt các chính sách nhằm tiếp thêm sinh lực cho các chủ doanh nghiệp với hy vọng thu hút thêm người dân đến ở. Trong gói giải pháp này có việc chính quyền hứa hẹn trợ cấp tiền cho doanh nghiệp trong 3 năm…  Nhưng theo nhiều chủ doanh nghiệp, trong 2 năm qua họ không hề nhận được bất kỳ đồng nào như hứa hẹn trong khi giao dịch ảm đạm với mật độ dân cư thấp. 

Một doanh nhân địa phương họ Deng cho biết, ông nhận được 50.000 NDT (8.000USD) từ chính quyền trong năm 2010, nhưng từ 2 năm qua thì không thấy gì. Theo ông Deng, chính sách này của thành phố là một trong những yếu tố chính khiến ông quyết định mở khách sạn tại đây.

Một chủ khách sạn khác tên Wang cho biết, giá thuê, chi phí sinh hoạt và phí bảo trì khá đắt đỏ ở Kangbashi, nhưng mùa kinh doanh cao điểm chỉ kéo dài 3-4 tháng/năm. Ông Wang cho rằng, gần như chắc chắn sẽ có thêm nhiều cửa hàng phá sản trong thời gian tới do tiền trợ cấp không có, trong khi giá thuê tăng. Cho đến nay, hàng chục cửa hàng trên tuyến đường chính ở Kangbashi đã được bán đi, cho thuê với giá rẻ hoặc bỏ hoang. Về phần mình, nhà chức trách thành phố giải thích rằng số tiền hỗ trợ bị tạm ngừng phần do ngân sách thành phố eo hẹp và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu có quỹ trong năm nay. 

Tháo chạy

Ordos là nơi có trữ lượng than lớn, cung cấp khoảng 17% nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc. Khi than ở đây được phát hiện vào đầu thập niên 1990, các nông dân bán đất với giá cao cho các chủ mỏ tư nhân. Khi thị trường bùng nổ, hàng trăm nghìn người đã đổ xô đến đây làm ăn. Nhưng khi bong bóng xì hơi hồi tháng 7-2012, giá than giảm trong 11 tuần liên tiếp, khiến nhiều doanh nghiệp địa phương phải tạm ngừng sản xuất hoặc thu được rất ít lợi nhuận. Kinh tế ảm đạm khiến nhiều người bỏ đi. Những người ở lại cố bám trụ thì tỏ ra hoang mang. Một số chủ xe hơi ở Ordos thậm chí còn thanh lý tài sản với giá rẻ. Trên một trang web bán xe nổi tiếng có trụ sở ở Ordos, một người đăng ký bán chiếc xe Porsche Cayman đời 2009 với giá 79.032USD, còn người khác đăng ký bán chiếc Hummer với giá 80.600USD. Trong khi đó, cũng mẫu xe này tại Thủ đô Bắc Kinh, giá bán lần lượt là 110.000USD và 121.000USD. 

Theo báo cáo từ chính quyền Ordos, tính đến cuối tháng 4-2012, chỉ có 40% trong tổng số 324 dự án xây dựng khu dân cư đang được triển khai. Trong khi đó, mỗi tháng có khoảng 20% người dân trong thành phố đăng ký bán nhà với giá 320USD/m2, thấp hơn nhiều so với giá đất ngoại ô trung bình là 800USD/m2.

Dân chúng nổi giận

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán quá rủi ro, lãi suất ngân hàng thấp, nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc đã đổ tiền vào bất động sản với mục đích đầu cơ kiếm lời chứ không ở. Họ tin rằng đầu tư vào bất động sản tại Ordos sẽ an toàn và giúp sinh lời. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, chính  hiện tượng này đã làm bong bóng nhà trở nên nghiêm trọng và gia tăng số lượng các “thành phố ma” ở Trung Quốc. Theo ông Gillem Tulloch, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu Forensic Asia, hậu quả của những sự kiện kinh tế này là các đường phố vắng tanh, căn hộ bị bỏ hoang và những thành phố vắng bóng người trên khắp Trung Quốc… 

Bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm gần 14% GDP hồi năm ngoái và hỗ trợ nhiều cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân Trung Quốc vẫn không có đủ tiền để mua nhà do giá đã được đẩy lên rất cao trong nhiều năm. Trong khi đó, sự giận dữ trong dân chúng tăng lên khi gần đây truyền thông nhà nước đưa tin về số lượng bất động sản mà các quan chức tham nhũng nắm giữ, trong đó có người đã sử dụng chứng minh thư giả để mua ít nhất 192 ngôi nhà.