Thành lập Hội đồng thẩm định chuyên môn: Không ai ủng hộ

ANTĐ - Đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định chuyên môn những vòng cuối V-League chưa kịp lấy ý kiến đã bị đa số CLB tỏ ý không ủng hộ. Tính hiệu quả của bộ máy “hành pháp” ở VFF, VPF một lần nữa bị đặt dấu hỏi.

Không dễ để xác định tiêu cực trong một trận đấu
Ảnh: QUANG THẮNG

Để đối phó với tiêu cực có thể xảy ra ở 4 vòng đấu cuối V-League 2013, Ban tư vấn đạo đức đã đề xuất ý tưởng thành lập Hội đồng thẩm định chuyên môn. Theo các thành viên ban này, Hội đồng gồm các nhà chuyên môn uy tín sẽ theo dõi các trận đấu nhạy cảm, kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện tiêu cực. Theo đề xuất, Hội đồng thẩm định sẽ được giao quyền ra án phạt (cảnh cáo, hoặc trừ điểm) nếu kết luận cầu thủ hoặc đội bóng nào đó cố tình thi đấu dưới sức để nhường điểm cho đối phương. Ý tưởng trên của Ban tư vấn đạo đức sau khi đưa ra ít nhiều được VFF, VPF ghi nhận về mặt thiện chí song bày tỏ lo ngại về tính khả thi. 

Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn nêu quan điểm: “Trên thế giới, chưa từng tồn tại một Hội đồng nào như thế. Và ngay cả khi được thành lập, Hội đồng thẩm định cũng không thể thích xử là xử được. Việc xử án phải theo chứng cứ, hồ sơ, báo cáo của các giám sát, trọng tài. Nếu xử theo cảm tính, đội bóng sẽ không phục, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khôn lường”. Thực tế trong lịch sử V-League từng ghi nhận 2 trường hợp trừ điểm đội bóng mà không cần bằng chứng. Một trong số đó là ở mùa giải 2003, ông Trần Duy Ly khi đó là Phó chủ tịch VFF, kiêm trưởng giải V-League đã trừ điểm một đội “máu mặt” lúc bấy giờ là Thể Công vì cố tình thi đấu dưới sức trận gặp Cảng Sài Gòn. “Nhưng đó là cách làm của ngày xưa, khi dư luận lúc đó phản ứng quá dữ dội. Còn nay, V-League đang tiến lên chuyên nghiệp nên mọi cách thức hành xử cũng phải theo tiêu chí chuyên nghiệp. Không thể xử một vụ việc mà không cần bằng chứng vì như thế khó khiến các đội bóng tâm phục”, trưởng giải Trần Duy Ly nói.

Với tư cách người trong cuộc, các CLB đều tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của Hội đồng thẩm định nếu thành lập. Tổng giám đốc CLB SLNA, Nguyễn Hồng Thanh thẳng thắn: “BTC đã có Ban kỷ luật, Ban tư vấn đạo đức với chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ tương tự rồi giờ lập thêm ban, hội nữa chỉ khiến bộ máy thêm chồng chéo, tốn chi phí trong khi hiệu quả lại chưa thể xác định”. Ông Thanh đặt câu hỏi: “Đã khi nào BTC tự hỏi đã vận dụng xử lý đúng luật FIFA với các vi phạm ở giải chưa?”. Đồng quan điểm đó, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội góp ý thêm: “Trước khi thành lập thêm Hội đồng mới, BTC cần sử dụng hiệu quả các công cụ sẵn có trong tay. Cá nhân, đội bóng nào vi phạm cứ chiểu theo luật để xử lý”. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ vào chiều qua (8-8), Phó ban Tư vấn đạo đức Nguyễn Văn Vinh, thừa nhận là người ủng hộ đề xuất song bản thân ông cũng nhận thức sẽ rất khó thành hiện thực. “Giải chỉ còn 4 vòng, thời gian quá gấp gáp, trong khi phải chờ các CLB cho ý kiến. Ngay cả khi nhận được sự đồng tình cũng phải họp bàn thống nhất lại rồi mới ra quyết định thành lập. Chưa kể giờ đa số đều chưa thật sự ủng hộ, e rằng ý tưởng này khó thành hiện thực”, ông Vinh hoài nghi.

BTC hủy đối chất với Thanh Hóa

Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn hôm qua (8-8) cho biết: “Sẽ không có cuộc đối chất nào giữa lãnh đạo CLB Thanh Hóa và ông Trần Duy Ly, Trưởng BTC V-League liên quan tới tranh cãi phát ngôn (bị cho là) tiền hậu bất nhất của ông Ly quanh tình huống phút 84, trận Thanh Hóa - XM Xuân Thành SG ngày 28-7. Phía Thanh Hóa đã khẳng định họ tiếp nhận thông tin ông Ly nói “trọng tài sai khi công nhận bàn thắng” là qua báo chí, chứ không trao đổi trực tiếp với ông Ly”. Ở cuộc họp khẩn ngày 1-8, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã đề xuất tổ chức một buổi đối chất để giải quyết khúc mắc giữa Thanh Hóa và ông Trần Duy Ly.