Thành lập Ban Trọng tài: Bình mới, rượu có mới?

ANTĐ - Hội đồng Trọng tài quốc gia (TTQG) sau nhiều năm tồn tại sẽ được giải tán và thay vào đó là Ban Trọng tài. Vậy sự thay đổi này có mang lại khác biệt đáng kể?

Những ông “vua sân cỏ” chưa thể mang lại sự lạc quan sau mùa giải vừa qua

Tại Hội nghị tổng kết mùa bóng 2011, Hội đồng TTQG bị chỉ trích gay gắt từ nhiều phía. Thậm chí, lãnh đạo VFF còn đặt thẳng vấn đề, có hiện tượng một nhóm trọng tài thao túng V-League theo kiểu “mafia” và gây sức ép, buộc Hội đồng TTQG phải “loại khỏi đời sống bóng đá” hai trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết. Những bức xúc trong công tác trọng tài dường như đã lên tới đỉnh điểm khi Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên phát biểu: “So với năm 2005 (thời điểm nhiều vụ tiêu cực liên quan tới trọng tài bị phanh phui-PV), các trọng tài bây giờ tiêu cực nhiều hơn và cũng tinh vi, thủ đoạn hơn”. Ông Kiên còn dẫn chứng, lãnh đạo CLB Hòa Phát HN từng được gợi ý, muốn chắc thắng phải bỏ ra 500 triệu đồng cho trọng tài.

Thế nên, việc thành lập Ban Trọng tài xuất phát từ khuyến cáo của FIFA,  yêu cầu các LĐBĐ thành viên thành lập Ban Trọng tài để điều hành các hoạt động của lực lượng trọng tài. Nhưng người ta cũng hiểu rằng sau những gì đã xảy ra ở V-League 2011, đã đến lúc VFF cần phải tiến hành một cuộc cách mạng với đội ngũ trọng tài. Việc cho ra đời Ban Trọng tài được coi là bước đi đầu tiên nhằm cứu vãn uy tín cho đội ngũ những người “cầm cân nảy mực”. Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, so với mô hình hoạt động của Hội đồng TTQG, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Trọng tài có nhiều sự khác biệt. Trưởng ban Trọng tài phải là Ủy viên BCH, điều đó cũng có nghĩa, đương kim Chủ tịch Hội đồng TTQG Nguyễn Văn Mùi không đủ tư cách cho cương vị mới. Nhiều khả năng Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn sẽ được chỉ định làm Trưởng ban Trọng tài.

Ngoài ra, Ban Trọng tài ra đời sẽ thực hiện nhiều nội dung công việc mới như phân loại trọng tài theo mỗi cấp độ khác nhau dựa trên quá trình làm nhiệm vụ của các trọng tài tại các trận đấu liên quan và đề xuất sự thăng cấp hay giáng cấp; Sử dụng các tiêu chí chung theo quy định của FIFA để đánh giá trọng tài; Phối hợp với các bộ phận chức năng của LĐBĐVN thành lập bộ phận chuyên gia thẩm định, đánh giá công tác trọng tài... Nhưng theo những người trong cuộc, sự thay đổi quan trọng nhất là  công tác phân công trọng tài cho từng giải đấu, theo mỗi vòng đấu sẽ thuộc thẩm quyền của Ban Trọng tài, không còn có sự tham gia của BTC giải hay phòng thi đấu. Chế độ cho trọng tài cũng thuộc thẩm quyền và đề xuất của Ban Trọng tài chứ không phải tiền của BTC giải. Chính những sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ mang đến một đội ngũ trọng tài "khỏe mạnh", trong sạch hơn so với những năm gần đây.

Tính toán là thế, song hiệu quả từ việc chuyển đổi Hội đồng TTQG sang Ban Trọng tài đến đâu vẫn phải chờ thực tiễn sân cỏ trả lời. Vẫn còn quá sớm để lạc quan về đội ngũ "vua sân cỏ" sau những gì đã xảy ra.