Thân phận những cô dâu… trẻ em

(ANTĐ) - Hầu hết các cô gái đều ước mơ được yêu, mặc bộ váy cô dâu đẹp trong lễ kết hôn, và có một mái ấm gia đình. Nhưng đối với hàng nghìn cô gái trẻ Afghanistan, hôn nhân thường đến quá sớm và thường kết thúc trong ác mộng. Vì nghèo đói, nợ nần và nhiều lý do khác, nhiều em gái tại nước này đã bị ép buộc phải cưới chồng khi vẫn còn trẻ con.

Thân phận những cô dâu… trẻ em

(ANTĐ) - Hầu hết các cô gái đều ước mơ được yêu, mặc bộ váy cô dâu đẹp trong lễ kết hôn, và có một mái ấm gia đình. Nhưng đối với hàng nghìn cô gái trẻ Afghanistan, hôn nhân thường đến quá sớm và thường kết thúc trong ác mộng. Vì nghèo đói, nợ nần và nhiều lý do khác, nhiều em gái tại nước này đã bị ép buộc phải cưới chồng khi vẫn còn trẻ con.

Người chồng Said Mohammed, 55 tuổi, và vợ Roshan Qasem 11 tuổi
Người chồng Said Mohammed, 55 tuổi, và vợ Roshan Qasem 11 tuổi

Trốn chạy hôn nhân

Bị ép buộc vào cái gọi là trao đổi hôn nhân khi phải kết hôn với người đàn ông lớn tuổi hơn mình rất nhiều, Khadija Rasoul, 13 tuổi và Basgol Sakhi, 14 tuổi đã bị chồng đánh đập khi họ cố gắng kháng cự trong đêm tân hôn. Ăn mặc giả trai, họ bỏ trốn và sau 2 ngày chạy đến tỉnh Heart, nơi chiếc xe buýt chở họ bị chặn lại tại một trạm kiểm soát rồi họ bị bắt. Mặc dù Heart có nơi trú ẩn dành cho phụ nữ và các bé gái bị ngược đãi và trốn chạy và 2 em gái đã hết sức van nài nhưng thay vì che chở, cảnh sát đưa các cô gái về phòng giam giữ. Sau phiên tòa chiếu lệ do các lãnh đạo tôn giáo địa phương tổ chức, các bé gái bị phạt 40 roi. Dù vậy, họ vẫn được coi là may mắn khi được tuyên ly dị và trở về nhà của mình.

Khadija và Basgol không phải là những nạn nhân duy nhất của tình trạng ép buộc hôn nhân. 2 cô dâu trẻ em bỏ trốn khác tại một địa điểm bí mật ở Kabul cũng là bằng chứng cho thấy sự nghiệt ngã của hủ tục ép buộc kết hôn. Cả hai đều bị đánh đập, họ khóc khi nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng phải trải qua. Shakhina, một cô bé 15 tuổi đến từ Bamian, bị cưỡng ép hôn nhân để trả nợ cho cha khi cô mới chỉ 12-13 tuổi. Gia đình chồng coi cô như người hầu trong nhà. “Lần nào họ cũng tìm được lý do để đánh tôi”, Shakhina cho biết, “Anh rể, chị dâu và chồng đều đánh đập tôi”. Trong khi đó,   Sumbol, 17 tuổi, cô gái người Pashtun cho biết, cô bị bắt cóc và đưa đến Jalalabad, sau đó bị ép phải lựa chọn: Cưới kẻ hành hạ cô hoặc trở thành một kẻ đánh bom tự sát. “Hắn nói, “Nếu không lấy tao, tao sẽ đặt bom vào người mày rồi đưa đến đồn cảnh sát” -   Sumbol nhớ lại.

43% cô dâu dưới 18 tuổi

Việc xử tội những cô dâu trẻ em ở Afghanistan đã làm sáng tỏ một sự thật phũ phàng. Hành vi mà ở hầu hết các nước sẽ bị coi là phạm tội thì ở nhiều khu vực tại Afghanistan lại được xem là một tục lệ công khai - điều mà chính phủ nước này hoặc không thể hoặc không sẵn sàng đương đầu với nó. Những hy vọng được bảo vệ của các em dường như là điều quá xa xôi và các em tiếp tục phải đánh cuộc với rủi may số phận hay làm mẹ khi còn đang ở tuổi chơi đùa chạy nhảy. 

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), từ năm 2000-2008, những cô dâu trong 43% cuộc hôn nhân ở Afganistan là dưới 18 tuổi. Mặc dù Hiến pháp nước này cấm những bé gái dưới 16 tuổi kết hôn, tục lệ của các bộ lạc thường bỏ qua luật cấm khi bé gái đến tuổi dậy thì hoặc thậm chí sớm hơn. Trường hợp của Khadija Rasoul, 13 tuổi và Basgol Sakhi, 14 tuổi đến từ ngôi làng Gardan-i-Top ở huyện Dulina thuộc tỉnh Ghor, miền Trung Afghanistan, chứng tỏ sự thất bại của chính quyền Afghanistan trong việc bảo vệ các bé gái, bất chấp họ có cơ hội để làm vậy. Theo bà Fawzia Kofi, nghị sĩ Quốc hội Afghanistan, vụ đánh đập 2 bé gái Khadija Rasoul và Basgol Sakhi có thể gây sốc nhưng đây mới chỉ là một vụ được đưa ra trước công luận. “Tôi chắc chắn còn nhiều trường hợp tồi tệ hơn mà chúng ta không biết” - bà Kofi cho biết, “Kết hôn sớm và ép buộc kết hôn là hai dạng hành vi bạo lực phổ biến nhất đối với phụ nữ và các bé gái”.

Shakhina, một trong số các nạn nhân bị ép buộc hôn nhân
Shakhina, một trong số các nạn nhân bị ép buộc hôn nhân

Đâu là giải pháp?

Theo văn hóa Afghanistan, nếu cuộc hôn nhân ép buộc không có hạnh phúc, người đàn ông có thể cưới người phụ nữ mà anh ta yêu về làm vợ hai. Nhưng các cô gái thì lại không có lối thoát. Một số tìm đến cái chết. Một số khác bỏ trốn, có người bị rơi vào động mại dâm hoặc vòng vây của nghiện ngập. Nghèo đói là nguyên nhân thúc đẩy nhiều cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan. Đó có thể do một người đàn ông giàu có trả “giá cô dâu” một khoản tiền lớn hoặc chỉ vì cha cô dâu sau đó bớt đi một đứa con phải nuôi do nghèo đói và khủng hoảng lương thực.

Khi được hỏi tại sao lại đưa ra quyết định khiến con gái mình có thể phải khổ suốt đời, nhiều bậc cha mẹ trả lời đơn giản: “Đó là cuộc sống của nó, là số phận của nó’’. Theo bà Manizha Naderi - Giám đốc điều hành Tổ chức Tiếng nói phụ nữ Afghanistan, có một thực tế phổ biến trong số các nhân viên cảnh sát khi họ bắt những cô dâu trẻ em bỏ trốn để trả về gia đình. “Về việc làm này, hầu hết cảnh sát không hiểu điều quy định trong luật, hoặc đơn giản là họ chống lại nó” - bà Manizha nhấn mạnh. 

Hiện tượng trẻ con hứa hôn và cưới vẫn cố hữu ở Afghanistan, đặc biệt là ở những gia đình nghèo khó, không được học hành và ở những vùng nông thôn. Tuy nhiên, hôn nhân ép buộc trong số các bé gái không chỉ xảy ra ở các khu vực nông thôn xa xôi ở Afghanistan mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác như Heart, Kabul, Kapisa và thành phố Mazar-i-Sharif… Bộ Nữ giới Afghanistan đã phát động chiến dịch khuyến khích mọi người đăng ký kết hôn, hy vọng với hình thức này sẽ giúp giảm tình trạng hôn nhân ép buộc ở trẻ em. Việc đăng ký kết hôn đã được áp dụng nhưng hiếm khi được thực hiện. Do vậy, nữ Nghị sĩ Fauzia Kofi tin rằng, những đám cưới trẻ con chỉ kết thúc khi chính quyền địa phương đầu tư làm giảm bớt đói nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.

Nguyễn Tuyên

(Tổng hợp)