Thái Lan liên tiếp phát hiện thi thể người di cư bất hợp pháp

ANTĐ - Choáng váng sau khi phát hiện 32 thi thể của những người di cư bị buôn bán ở miền Nam Thái Lan, chính quyền Thái Lan đã lên tiếng tìm kiếm sự hợp tác của Malaysia và Myanmar để giúp chống lại nạn buôn người đang gia tăng trong khu vực.
Thái Lan liên tiếp phát hiện thi thể người di cư bất hợp pháp ảnh 1

Quan chức Thái Lan khám nghiệm thi thể tại tỉnh Songkhla ngày 6-5

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 8-5-2015, đã thừa nhận có sự dính líu của các quan chức trong các tổ chức buôn bán người, khi một thị trưởng và phó thị trưởng đã bị bắt giữ và khoảng 50 sĩ quan cảnh sát bị điều chuyển công tác.

Thủ tướng Prayuth nói: "Tôi đã chỉ thị Bộ Ngoại giao liên hệ với Malaysia và Myanmar để tổ chức một cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề này. Cuộc họp có thể được tổ chức vào cuối tháng này".

Tuần trước, Thái Lan đã phát hiện 32 thi thể được cho là những người Rohingya theo đạo Hồi từ bang Rakhine của   Myanmar và Bangladesh tại hai địa điểm ở tỉnh Songkhla. Hơn 30 ngôi mộ được cho là của người di cư đã được tìm thấy nhưng chính quyền vẫn chưa cho khai quật thi thể ở khu vực này.

Miền Nam Thái Lan nổi tiếng là một điểm trung chuyển của tội phạm buôn người Hồi giáo Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số không quốc tịch ở Myanmar, vào Malaysia. Chính quyền địa phương đã tìm thấy ít nhất 55 người - bao gồm người Rohingya và người Bangladesh - trong các khu rừng dọc biên giới trong vài ngày qua, Đại tá cảnh sát Putichat Ekkachan cho biết.

Tờ Bangkok Post đưa tin, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nhấn mạnh rằng, Thái Lan “phải tăng cường các biện pháp để chống lại nạn buôn người, vì nó sẽ trầm trọng thêm khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành”.

Theo The Nation, 15 nhân viên cảnh sát khác đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt tương tự vì nghi ngờ hưởng lợi từ các đường dây buôn người hoặc do "thiếu năng lực”. Đầu tuần qua, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc", đồng thời kêu gọi "một nỗ lực khu vực để chấm dứt nạn buôn người".

Việc liên tiếp phát hiện thi thể người di cư trái phép đã khiến Thái Lan bị sốc. Năm 2014, Thái Lan đã bị xếp hạng thấp nhất trong một báo cáo nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khi hồi đầu tháng này, Liên minh châu Âu đã ra hạn cho Thái Lan 6 tháng để cải thiện tình trạng các tàu thuyền đánh cá sử dụng người di cư trong "điều kiện như nô lệ".

Sau cuộc đụng độ bạo lực trong mùa hè năm 2012, những người Rohingya bắt đầu bỏ chạy hàng loạt khỏi Myanmar.  Người Bangladesh cũng nhờ những kẻ môi giới đưa đến Malaysia tìm việc làm nhưng trong số họ, một số cùng với người Rohingya bị bắt cóc đến Thái Lan,  trú ẩn trong rừng và bị giam giữ cho đến khi gia đình trả tiền chuộc.