Thách thức với đội nữ rà phá bom mìn đầu tiên ở Libya

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp nguy hiểm, nỗi lo của gia đình và khả năng bị xã hội chỉ trích, Farah al-Ghazali, một trong những nữ nhân viên rà phá bom mìn đầu tiên của Libya cho biết, cô không ngần ngại khi có cơ hội giúp loại bỏ bom mìn ở đất nước mình. Những người phụ nữ đầu tiên rà phá chất nổ nguy hiểm ở Libya cũng là một phần của xu hướng quốc tế về bình đẳng giới trong công việc.

Mặc dù khó có được dữ liệu chính xác ở Libya nhưng theo một thống kê, trong 15 năm qua, hơn 400 người Libya đã thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương do mìn sát thương hoặc bom mìn chưa nổ. Tháng 1-2020, Liên hợp quốc ước tính rằng đất nước này có khoảng 20 triệu quả mìn hoặc vật liệu nổ còn sót lại. Đó là chất nổ còn sót lại ở Libya sau nhiều cuộc xung đột, từ Thế chiến II, xung đột với Ai Cập và Chad trong những năm 1970 - 1980 đến các tranh chấp biên giới. Và kể từ khi Tổng thống Muammar Gadhafi bị lật đổ năm 2011, hai phe đối lập tranh giành quyền kiểm soát đất nước cũng gài mìn để ngăn ngừa đối phương. Góp phần giải quyết thách thức về bom mìn và vật liệu chưa nổ hiện nay ở Libya là Farah al-Ghazali và 5 phụ nữ khác.

Nhóm nữ rà phá bom mìn đầu tiên của Libya được đào tạo từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022

Nhóm nữ rà phá bom mìn đầu tiên của Libya được đào tạo từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022

Nguy hiểm và thách thức

Nhóm nữ rà phá bom mìn đầu tiên của Libya được đào tạo từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022, trong một khóa học gần Thủ đô Tripoli. Kể từ đó đã làm việc cho nhiều tổ chức rà phá bom mìn khác nhau như Bộ Quốc phòng và tổ chức hành động chống bom mìn có trụ sở tại Libya, Tổ chức Free Fields.

Kể về khóa đào tạo, Amal Mustafa, 29 tuổi cho biết, đội mũ bảo hiểm nặng và sử dụng máy dò kim loại, họ được dạy cách xác định những khu vực nguy hiểm nhất có khả năng chứa mìn và cách gỡ - loại bỏ chúng. Aseel al-Ferjani, 28 tuổi, một nữ nhân viên rà phá bom mìn khác của Libya cho hay: “Công việc này giống như đối đầu trực tiếp với tử thần. Hiện trường không cho phép bạn phạm sai lầm cũng như có cơ hội thứ hai. “Họ nói rằng công việc của tôi rất nguy hiểm và điều này là sự thật”, Huda Khaled, một người rà phá bom mìn 33 tuổi gốc Iraq, đồng tình. Nhưng cô nói thêm, ở Iraq, cô từng trải qua những điều tồi tệ hơn. “Chúng tôi đã nhiều năm chứng kiến vụ nổ ở các khu chợ và đường phố. Nguy hiểm trong công việc rà phá bom mìn này tương tự như cuộc sống hàng ngày của chúng tôi ở đó”, cô Huda Khaled chia sẻ.

Ông Mahmoud al-Alam, người đã huấn luyện những phụ nữ dũng cảm này giải thích rằng, những mối nguy hiểm rõ ràng không phải là thách thức duy nhất mà các nữ rà phá bom mìn phải đối mặt. Ông nói: “Ở một quốc gia có phong tục và truyền thống bảo thủ như Libya, công việc này từ lâu đã được coi là điều mà chỉ đàn ông mới nên làm”.

Bình đẳng giới trong công việc

“Lĩnh vực này theo truyền thống thường do nam giới thống trị vì mối liên hệ lịch sử của nó với quân đội. Vì vậy, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi làm công việc xử lý chất nổ hoặc rà phá bom mìn”, bà Abigail Jones, Giám đốc chương trình về giới tính, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập tại Trung tâm rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneva nhận định. Bà cho biết, đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên được thành lập bởi một tổ chức viện trợ của Na Uy ở Kosovo vào năm 1999. Ngày nay, các nữ nhân viên rà phá bom mìn làm việc ở 25 quốc gia như Iraq, Lebanon, Sudan, Myanmar, Campuchia và Jordan.

Một cuộc khảo sát năm 2019 của các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, hiện nay, trung bình phụ nữ chiếm khoảng 20% nhân viên tham gia các công việc rà phá bom mìn. Có ý kiến cho rằng phụ nữ yếu hơn về thể chất nên mất nhiều thời gian hơn để xử lý chất nổ, cùng với đó là sự phân tâm cho gia đình, con cái. Nhưng có tranh luận khác rằng phụ nữ thực sự giỏi hơn bởi tính thận trọng, kiên nhẫn và làm việc theo nhóm tốt hơn. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2022 trên Tạp chí Phá hủy Vũ khí Thông thường, dữ liệu cho thấy không có sự khác biệt nào về năng suất lao động hoặc khả năng sẵn sàng cho công việc này dựa trên giới tính.

Đối với Farah al-Ghazali, cô cảm thấy hài lòng vì mình đã có thể thay đổi quan niệm sai lầm phổ biến ở quê hương. “Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ có thể làm những việc mà người ta nghĩ chỉ dành cho đàn ông và tôi sẽ tiếp tục cống hiến hết mình. Mỗi năm tôi đều tiến bộ hơn và có thêm kinh nghiệm, học hỏi được nhiều điều. Và tôi biết mình đang giúp đỡ mọi người thông qua công việc của mình”, cô vui vẻ nói.