Tết Rồng náo nức

ANTĐ - Trong điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt, những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã diễn ra tưng bừng và vui vẻ ở nhiều nước châu Á cũng như cộng đồng người gốc Á trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, nơi khởi nguồn của Tết Âm lịch, năm mới đến với nhiều màu sắc mới.


Đưa bữa tất niên về nhà

Khác với mọi năm, bữa cơm tất niên Tết Rồng của gia đình Chương Tú Phong, một thị dân ở thành phố Tương Đàm, Hồ Nam (Trung Quốc) được tổ chức ở nhà. Mấy chị em cùng vào bếp chuẩn bị các món ăn, sau đó cả gia đình lớn quây quần trong gian phòng chính ấm áp và yên tĩnh. Tú Phong cho biết, những năm trước gia đình cô đều ăn tất niên ở nhà hàng, nhưng vì khách đông, nhà hàng chỉ cho phép dùng bữa trong tối đa 2 tiếng đồng hồ, cảm giác rất gò bó và không thoải mái.

Do hầu hết các gia đình khá giả ở Trung Quốc có thói quen ăn cơm tất niên tại nhà hàng, khách sạn, nên vào ngày này hầu hết các nhà hàng, khách sạn đều đưa ra quy định 1 bàn phải được sử dụng cho tối thiểu 2 lượt khách, đồng nghĩa với việc mỗi gia đình chỉ được phục vụ trong không quá 2 giờ. Đó là một trong những lý do khiến người dân Trung Quốc quay trở về với những bữa ăn ấm cúng ngay tại nhà mình. “Khi cuộc vui đang lên đến cao trào, bị các nhân viên mời đứng dậy thì quả là mất hứng, thậm chí còn thấy xấu hổ với cha mẹ”, Tú Phong nói, “Ở nhà vừa dùng bữa vừa xem liên hoan chào năm mới, đến khi nào tùy thích, lại ấm cúng hơn”. Một lý do khác mà Tú Phong cũng như nhiều người khác không muốn nói tới trong năm mới, đó là ảnh hưởng của tình hình kinh tế nói chung buộc những chi tiêu không quá cần thiết như vậy được thắt chặt hơn.

Bữa cơm tất niên của người Trung Quốc được quy định rất kỹ lưỡng với nhiều món ăn truyền thống cầu kỳ phức tạp, trong đó bắt buộc phải có món cá, vì từ “ngư” đồng âm với “dư” - tỏ ý cầu mong năm mới sẽ luôn dư dả cả về tiền bạc và sức khỏe. Tuy nhiên bữa tất niên cũng đang có xu hướng được đơn giản hóa, thay vì chú trọng việc ăn, người ta quan tâm nhiều hơn đến không khí đoàn tụ gia đình. Mặt khác, các món ăn tây cũng đã xuất hiện nhiều hơn trên bàn tiệc tất niên. 

Không quên “săn Rồng”

Hầu hết các gia đình người Hoa tin rằng đứa trẻ sinh năm Rồng đã được ông trời ban phúc, sẽ khỏe mạnh, có tiền đồ, tương lai sáng sủa. Chính vì vậy, trào lưu “săn Rồng” thực chất đã bắt đầu từ giữa năm Tân Mão. Hoàng Tú Dĩnh, người vừa may mắn được làm mẹ trong dịp tết tiết lộ, theo đúng kế hoạch của bác sỹ, cô sẽ sinh con trước tết, song không ngờ đứa trẻ “khôn ngoan” lại ở trong bụng mẹ lâu hơn nên sinh ra đúng năm Rồng, đem lại niềm vui ngoài tưởng tượng cho cả gia đình. Song trào lưu này khiến chính quyền Trung Quốc khá lo ngại vì áp lực đối với xã hội tăng lên -  bệnh viện thiếu chỗ, các mặt hàng cho sản phụ, trẻ sơ sinh tăng giá, trẻ không đủ chỗ học khi đến tuổi... “Ngay cả là như vậy, gia đình tôi vẫn mong muốn sẽ sinh con trong năm nay. Đó là lộc trời ban”, anh Thôi Quốc Bảo, người vừa kết hôn cuối năm 2011 khẳng định.

Trào lưu sinh con tuổi rồng còn lan tỏa mạnh trong cộng đồng người Hoa ở khắp nơi trên thế giới. Bevan Chuang, một phụ nữ độc thân 30 tuổi ở Sri Lanka thậm chí còn đăng tin công khai xin được cho tinh trùng để sinh con năm Rồng. Tại Mỹ, nhu cầu được hỗ trợ kỹ thuật để mang thai trong năm nay cũng tăng cao, có nơi số lượng khách hàng là người Hoa còn tăng tới 250%. Ở Trung Quốc, việc thụ tinh nhân tạo chỉ tốn khoảng 2.400USD, còn ở Mỹ chi phí cho việc này lên tới trên 10.000USD, song vẫn có khá nhiều người từ đại lục tìm đến Mỹ để được sinh con theo ý muốn. Tưởng Bội Phương, một nữ luật sư 34 tuổi sống ở Los Angeles cùng người chồng Vincent Chen, 40 tuổi cho hay, vợ chồng cô muốn sinh con bằng thụ tinh nhân tạo trong năm nay vì tuổi rồng không chỉ tốt cho đứa trẻ mà còn tốt cho cả chồng cô. “Nếu bỏ lỡ năm nay, phải 5 năm sau tôi mới có thể sinh con hợp với bản mệnh của anh ấy”, Bội Phương cho biết.

Ngược lại với lo ngại của cơ quan hữu quan Trung Quốc về sự gia tăng đột biến dân số trong năm Rồng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại khuyến khích người dân sinh con vào năm nay nhằm chặn đứng xu thế dân số già hóa đang phát triển rất nhanh ở nước này. Năm 2010, tỷ lệ sinh ở đảo quốc xác lập mức thấp nhất trong lịch sử - bình quân một phụ nữ chỉ sinh 1,15 con.  


Ẩn họa còn rình rập

Trái ngược với không khí tưng bừng khắp nơi, những ngày tết đã trở nên hết sức nặng nề với gia đình chị Lý Minh Thanh ở Vĩnh Châu, Trùng Khánh. Đêm giao thừa, thấy pháo nổ đì đùng, cậu con trai 3 tuổi của chị, Lý Bồi Nhiên đã đòi mẹ cho đi đốt pháo. Hai mẹ con đã mang pháo xuống dưới sân khu nhà chung cư để đốt, không ngờ vì đứng trên bể phốt, khi pháo nổ đã làm vỡ nắp bể, cả hai mẹ con rơi xuống bể chất thải sâu 3m. May mắn là đứa cháu 10 tuổi đi cùng đã gọi những người khác đến cứu, đưa được chị Thanh cùng bé Nhiên đi cấp cứu. Cậu bé 3 tuổi bị hôn mê suốt 3 ngày, cho tới sáng mùng 4 Tết mới tỉnh lại và qua cơn nguy hiểm.

Cùng với việc chính quyền bỏ quy định cấm đốt pháo ở nhiều tỉnh thành, nỗi lo của người dân Trung Quốc đối với các mối nguy hiểm mang lại cũng không ngừng tăng lên. Trong những ngày tết, tiếng pháo vang lên không dứt ở khắp mọi nơi. Đặc biệt trong ngày mùng 5 - ngày đón Thần Tài theo tập tục dân gian, pháo được đốt liên tục từ sáng sớm đến khuya, thậm chí còn nhiều hơn trong đêm Giao thừa. “Sáng 28-1, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ của chúng tôi buộc phải bắt đầu sớm hơn bình thường 30 phút - từ 4h sáng - vì xác pháo chất đống trên mọi ngả đường, ngóc ngách”, chị Hứa Tiên, một công nhân vệ sinh môi trường ở Tần Hoài, Nam Kinh cho biết. Theo thông tin đăng tải trên trang web của Sở Môi trường thành phố Nam Kinh, vào thời điểm sau 0h ngày mùng 5 Tết, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại nhiều nơi vượt quá 400 lần cho phép. Thần tài chưa thấy đâu, nhưng tai nạn gây mất của đã xảy ra, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ cháy xe Audi vì pháo hoa ở quận Hạ Quan, Nam Kinh.